Nền kinh tế Trung Quốc có một khởi đầu tốt vào đầu năm 2022, cho đến khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 tấn công Thượng Hải vào tháng 3. Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 7/2022. (Nguồn: Reuters) |
Theo Channel News Asia ngày 27/7, giới chuyên gia kinh tế Trung Quốc nhận định, nước này đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đáng thất vọng trong nửa đầu năm 2022. Để bù đắp sự mất mát trong tăng trưởng kể từ khi áp dụng chiến lược “Zero Covid” (Không Covid), Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm đáng kể từ quý đầu tiên của năm 2010. Sau hơn 40 năm tăng trưởng ngoạn mục, không có gì ngạc nhiên khi nền kinh tế Trung Quốc suy giảm một phần nào đó.
Quốc gia Đông Bắc Á ghi nhận GDP giảm dần đều đặn từ 10,6% trong năm 2010 xuống còn 6% vào năm 2019.
Một số người ở nước này cho rằng, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế là điều không thể tránh khỏi do các yếu tố cấu trúc dài hạn gây ra. Một số khác nhận định, để tránh khủng hoảng tài chính, Bắc Kinh ưu tiên giảm tỷ lệ nợ, ngay cả khi phải trả giá bằng tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong khi thừa nhận vai trò của các vấn đề cơ cấu, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế số 2 thế giới giảm liên tục ở một mức độ lớn. Nguyên nhân được cho là nước này sớm từ bỏ chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng do nỗi lo bất ổn tài chính bị thổi phồng quá mức.
Mục tiêu ổn định tăng trưởng GDP
Theo giới phân tích, tốc độ tăng trưởng suy giảm đều đặn không chứng tỏ nền kinh tế Trung Quốc suy giảm. Việc thiếu quyết tâm thực hiện các chính sách ngược chu kỳ sẽ gây ra thiệt hại cho tiềm năng tăng trưởng - từ đó làm suy yếu sự ổn định tài chính của nước này.
Vào đầu năm 2022, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát. Trung Quốc tập trung triển khai những chính sách kinh tế vĩ mô nhằm ổn định tăng trưởng.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức tương đối khiêm tốn, 5,5% cho năm 2022. Nền kinh tế đã có một khởi đầu tốt vào đầu năm, cho đến khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 tấn công Thượng Hải vào tháng 3.
Chi tiêu tiêu dùng của nước này, chỉ số được đo bằng tổng bán lẻ hàng hóa xã hội, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong 2 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, dưới tác động của Covid-19, chỉ số này đã giảm lần lượt 11,1% và 6,7% trong tháng 4 và tháng 5. Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc cũng chậm lại đáng kể.
Niềm an ủi duy nhất đến từ thương mại quốc tế. Trong tháng 5, tăng trưởng tăng xuất khẩu ghi nhận 16,9% trong khi nhập khẩu tăng 4,1%. Nhưng mô hình tăng trưởng này không bền vững như mong muốn.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, GDP của nền kinh tế đứng đầu châu lục đạt 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này bị đánh giá là gây thất vọng. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý II thậm chí còn đáng thất vọng hơn với 0,4%.
Tuy nhiên, so với các nền kinh tế khác, tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc vẫn ở mức vừa phải.
Trong tháng Năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,1%; chỉ số giá sản xuất (PPI) đạt 6,4%. Mặc dù những con số này vẫn còn đáng lo ngại, nhưng nó đã giảm một nửa so với mức đỉnh vào tháng 10/2021.
Duy trì sự độc lập của chính sách tiền tệ
Thách thức chính đối với nền kinh tế Trung Quốc là làm sao bù đắp sự sụt giảm tăng trưởng kể từ tháng 3 (khi biến thể Omicron hoành hành) và đạt được mục tiêu tăng GDP năm 2022 là 5,5%.
Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để kích thích nền kinh tế. Số liệu thống kê vừa được công bố cho thấy đây là những gì chính phủ đang làm.
Với nhu cầu tiêu dùng và đầu tư yếu cũng như những khó khăn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt, chính phủ Trung Quốc có thể cần áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng hơn nữa. Nhưng việc thực hiện chính sách này sẽ kéo theo một loạt thách thức.
Hơn nữa, việc thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng bị hạn chế bởi đại dịch và chiến lược phòng chống dịch bệnh. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng không thể được giải quyết chỉ bằng chính sách tài khóa và tiền tệ, cho dù có mở rộng đến đâu.
Thách thức gay gắt nhất đối với nền kinh tế số 1 châu Á là làm thế nào để cân bằng giữa việc kiểm soát đại dịch Covid-19 với tăng trưởng kinh tế.
Lạm phát có thể là một vấn đề với chỉ số PPI cao của Trung Quốc. (Nguồn: IC) |
Trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tăng tốc thắt chặt tiền tệ. Việc thu hẹp lãi suất chuẩn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã dẫn đến sự gia tăng dòng vốn chảy ra ngoài và đồng Nhân dân tệ giảm giá bất chấp thặng dư tài khoản vãng lai lớn của Trung Quốc.
Bắc Kinh cần theo dõi kỹ tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ và dòng vốn xuyên biên giới. Nhưng một tỷ giá hối đoái linh hoạt và một số lượng kiểm soát vốn nhất định sẽ đủ để PBOC duy trì sự độc lập của chính sách tiền tệ và đảm bảo sự ổn định tài chính.
Đối phó lạm phát cao bằng cách nào?
Lạm phát có thể là một vấn đề với chỉ số PPI cao của Trung Quốc. Nhưng do nhu cầu tiêu dùng và đầu tư yếu, chỉ số PPI cao vẫn chưa chuyển thành lạm phát CPI.
Do xung đột ở Ukraine và việc phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với dầu khí của Nga, giá năng lượng và lương thực có thể sẽ tăng thêm.
Là quốc gia có hoạt động sản xuất, thương mại mạnh mẽ nhất trên thế giới, các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các bộ phận và linh kiện nhập khẩu. Các sản phẩm trung gian ở Mỹ và các nước phương Tây khác có giá cả cao hơn sẽ chuyển sang chỉ số giá của Trung Quốc.
Bắc Kinh có thể cần phải học cách sống chung với tỷ lệ lạm phát cao hơn, bởi vì ưu tiên hàng đầu của chính phủ là chấm dứt xu hướng giảm dần của tăng trưởng GDP.
Mặc dù ghi nhận hiệu quả kinh tế không khả quan do tác động của đại dịch vào đầu năm 2022, Trung Quốc có thể làm tốt hơn vào nửa cuối năm 2022. Quan trọng là viễn cảnh tăng trưởng dài hạn của nước này vẫn còn sáng sủa.