Những tên tuổi của khu vực tư nhân như Alibaba, Tencent, Huawei, BYD, Xiaomi... đã tạo nên những đột phá cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. (Nguồn: Getty Images) |
Gồm 77 điều, 9 chương, dự thảo Luật thúc đẩy kinh tế tư nhân vừa được Bộ Tư pháp Trung Quốc và Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) hoàn thành thu thập ý kiến công chúng. Vốn được mong đợi từ lâu trong cộng đồng doanh nghiệp, dự thảo Luật được ghi nhận là bước tiến có tính quyết định, sẽ đóng góp đáng kể vào nền kinh tế khi chính thức đưa vào khuôn khổ pháp lý các chính sách và giải pháp cụ thể thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời nhấn mạnh việc họ được đối xử bình đẳng và quyền được bảo vệ.
Giới nghiên cứu đánh giá, động thái này một lần nữa đề cao vai trò chủ chốt của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Trung Quốc, cũng như tái khẳng định sự hỗ trợ của chính phủ - không chỉ cung cấp sự bảo vệ pháp lý mà còn làm rõ trách nhiệm của chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân.
Xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo vệ kinh tế tư nhân
Chỉ sau một tuần, kể từ khi công khai dự thảo Luật để công chúng góp ý, các nhà chức trách đã nhận được hơn 1.000 đề xuất. Con số đủ cho thấy mức độ quan tâm của công chúng Trung Quốc và kỳ vọng của họ vào thay đổi quan trọng về chính sách, cũng như thúc đẩy niềm tin của doanh nghiệp tư nhân.
Nhà nghiên cứu Liu Dian tại Viện Trung Quốc, Đại học Fudan tin tưởng, “Dự Luật thúc đẩy kinh tế tư nhân đánh dấu bước đi mới nhất của đất nước nhằm tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh kinh tế suy thoái, góp phần cải thiện hệ thống kinh tế thị trường. Khi Luật chính thức có hiệu lực, nó sẽ kích thích hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân và khuyến khích họ tham gia vào cạnh tranh và hợp tác trên nhiều lĩnh vực hơn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế”.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hu Weilie cho biết, dự thảo Luật một lần nữa tái khẳng định chính sách lớn mà Trung Quốc đã tuân thủ từ rất lâu - thúc đẩy sự phát triển bền vững, lành mạnh và chất lượng cao của khu vực tư nhân, tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển chung của các thành phần kinh tế dưới mọi hình thức sở hữu, cạnh tranh thị trường và cơ hội tiếp cận bình đẳng, hợp pháp đối với tư liệu sản xuất.
Theo đó, dự Luật khuyến khích các thực thể kinh tế tư nhân tham gia vào các tiến bộ công nghệ, nâng cấp trình độ công nghiệp, các đột phá khoa học và công nghệ quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực dẫn đầu trong các dự án quốc gia lớn, có tính chiến lược. Các điều khoản của dự thảo bảo đảm rằng, khu vực tư nhân có thể tham gia vào việc thiết lập tiêu chuẩn, phát triển và sử dụng các nguồn dữ liệu công theo luật định.
Theo các điều trong dự Luật, Trung Quốc cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò tích cực trong phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, bảo đảm sự tham gia hợp pháp của họ trong việc thiết lập các tiêu chuẩn, cũng như trong tiếp cận và sử dụng các nguồn lực dịch vụ công như vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, dữ liệu, đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của họ.
Phát triển kinh tế tư nhân là chính
Bước vào thế kỷ XXI, khu vực tư nhân Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ, với sự ra đời của nhiều tên tuổi lớn như Alibaba, Tencent, Huawei, BYD, Xiaomi... tạo nên những đột phá cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Những doanh nghiệp này không chỉ thống trị thị trường nội địa mà còn vươn ra quốc tế, góp phần tạo nên những thay đổi mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực mới nổi như công nghệ, viễn thông và thương mại điện tử thế giới.
Theo báo cáo trên trang chủ của NDRC ngày 30/8, kinh tế tư nhân đã đóng góp tới hơn 60% GDP của Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 90% tổng số các thực thể kinh doanh và thu hút hơn 80% lực lượng lao động đô thị. Khối tư nhân đóng góp 70% phát minh, sáng chế trong nền kinh tế và hơn 50% nguồn thu thuế quốc gia.
Tuy nhiên, đầu tư tư nhân đã không còn mạnh mẽ như trước, với tám tháng tăng trưởng âm liên tiếp (từ 5/2023 đến cuối năm) so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Caixin Global công bố hồi tháng Bảy cũng cho thấy, từ 2024, dù đầu tư tư nhân đã chấm dứt tình trạng tăng trưởng âm, nhưng tốc độ tăng trưởng trong năm tháng đầu năm chỉ đạt 0,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,1% của đầu tư nhà nước và đầu tư do nhà nước kiểm soát.
Câu hỏi được đặt ra là, có phải những hỗ trợ về chính sách của Bắc Kinh năm 2023 không đủ? Từ kế hoạch hành động 31 điểm (7/2023), đến Chương trình chính sách 25 điểm (11/2023), rồi đến Hội nghị Kinh tế Trung ương (12/2023), Bắc Kinh liên tiếp đưa ra nhiều thông điệp mạnh mẽ nhằm vực dậy tâm lý nhà đầu tư, cũng như mang lại môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân nhưng đều chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Đầu năm 2024, nhóm nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa đưa ra nhận định, kinh tế tư nhân Trung Quốc đang thiếu niềm tin. “Nhà chức trách nên cố gắng tránh gây hiểu lầm rằng, việc phát triển kinh tế tư nhân chỉ là giải pháp tạm thời của nền kinh tế”, nhóm nghiên cứu tư vấn.
Luật thúc đẩy kinh tế tư nhân được xây dựng trong bối cảnh này. Trên phương diện chính sách, Luật một lần nữa tái khẳng định, Bắc Kinh coi phát triển kinh tế tư nhân là chính sách lớn của quốc gia. Quá trình thay đổi từ nhận thức đến quan điểm là cả một quá trình tìm tòi, từng bước thử nghiệm và cả điều chỉnh chính sách.
Thực tế cho thấy, qua hơn 40 năm cải cách mở cửa và hiện đại hóa, trải qua những cải tiến liên tục trong cơ chế, chính sách của hệ thống kinh tế, kinh tế tư nhân ở Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh và khẳng định là một trụ cột quan trọng, đóng góp vào nền kinh tế.
Như giới bình luận quuốc tế nhận định, qua câu chuyện của kinh tế tư nhân, cho thấy, Trung Quốc đã sẵn sàng là một cường quốc kinh tế toàn cầu, họ chọn cách tiếp cận chủ động, vừa thích ứng với hoàn cảnh thay đổi, vừa tạo ra một nền kinh tế toàn diện, bền vững hơn trong tương lai.
| Kinh tế thế giới nổi bật: Nga vững ngôi đầu nhà cung cấp nông sản, lý do người Mỹ lạc quan hơn, bất động sản Trung Quốc sắp chạm đáy Nga giữ vị trí nhà cung cấp nông sản hàng đầu ra toàn cầu, niềm tin về tăng trưởng của người dân Mỹ trở nên ... |
| Trung Quốc-EU: Châu Âu muốn 'tự bảo vệ mình', sắp 'ra đòn' quyết định, yêu cầu Bắc Kinh cam kết một điều Ngày 4/10, Pháp, Hy Lạp, Italy và Ba Lan sẽ bỏ phiếu ủng hộ mức thuế lên tới 45% đối với xe điện nhập khẩu ... |
| Hội nghị thượng đỉnh BRICS: Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ vai trò chủ nhà Nga, tương thích kế hoạch của Bắc Kinh; Brazil có quyết định bất ngờ? Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 diễn ra từ 22-24/10, được các quốc gia thành viên kỳ vọng sẽ củng cố sự thống ... |
| Bầu cử Mỹ 2024: USD 'thắng lớn', ông Trump được 'bơm' thêm tiền, Fed đưa nhận định mới về kinh tế Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận định, sự thiếu chắc chắn liên quan đến bầu cử Mỹ làm giảm hoạt động ... |
| Khí đốt Mỹ có bước đi mới sau quyết định của Iran Giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ đã giảm mạnh hôm 28/10, sau khi Israel tiến hành các cuộc tấn công hạn chế vào Iran ... |