Công nghệ định danh khuôn mặt đang được áp dụng khá phổ biến tại Trung Quốc. Tuy nhiên nó cũng làm dấy lên e ngại về vi phạm quyền riêng tư của người dân. (Nguồn: SCMP) |
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Fudan cùng với Viện Quang học, Cơ học và Vật lý Trung Quốc mới đây đã nghiên cứu thành công một hệ thống "siêu camera" với độ phân giải 500MP nhằm kết hợp với bộ nhớ đám mây và công nghệ AI để định danh chi tiết khuôn mặt của từng cá nhân trong số hàng ngàn người tại một sân vận động đông đúc.
Dẫu vậy, công nghệ mới này đang gây ra những lo ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư và giám sát mà chính phủ Trung Quốc dành cho người dân.
Được biết, hệ thống siêu camera 500MP có khả năng chụp hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn khuôn mặt tại một sân vận động với độ chi tiết gần như hoàn hảo, sau đó phân tích dữ liệu từng khuôn mặt dựa trên hệ thống lưu trên đám mây. Cuối cùng, AI sẽ thực hiện các bước nhằm định danh và xác định từng mục tiêu cụ thể.
Theo báo cáo từ CNS, công nghệ này đang được hầu hết các chuyên gia Trung Quốc khen ngợi do tiềm năng to lớn mà nó mang lại, điển hình như trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và an ninh công cộng.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cũng tỏ ra e ngại về thời gian xử lý của "siêu camera", do việc xử lý hình ảnh có độ phân giải 500MP thực sự là một nhiệm vụ nặng nề về mặt dữ liệu và có thể mất đến hàng giờ, đặc biệt là theo giao thức không dây, chứ đừng nói tới các video được quay lại. Về điểm này, rất có thể "siêu camera" sẽ cần tới sự hỗ trợ của mạng 5G để đảm bảo băng thông, thay vì sử dụng các phương thức truyền tải thông tin thông thường.
Một số người khác lại tỏ ra lo ngại về vấn đề đe dọa quyền riêng tư của người dân trước việc bị camera theo dõi gần như mọi lúc khi bước chân xuống phố.