Nvidia từng bán rất nhiều chip H20, có giá 12.000-13.000 USD/chip, đến Trung Quốc trong bối cảnh nước này chi mạnh tay cho cơ sở hạ tầng AI. (Nguồn: Reuters) |
Đây là một phần trong nỗ lực củaTrung Quốc nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ứng phó các biện pháp hạn chế thương mại của Mỹ.
Bảo vệ doanh nghiệp nội địa
Theo Bloomberg, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã khuyến nghị doanh nghiệp trong nước hạn chế mua chip H20 của Nvidia, loại chip được sử dụng để phát triển và vận hành các mô hình AI. Chính sách này mang tính khuyến nghị hơn là lệnh cấm hoàn toàn vì Trung Quốc muốn tránh gây bất lợi cho các công ty khởi nghiệp AI của nước này và làm gia tăng bất đồng thương mại với Mỹ.
Động thái trên dự kiến giúp các nhà sản xuất chip AI trong nước của Trung Quốc giành được nhiều thị phần hơn trong khi hỗ trợ những doanh nghiệp công nghệ nội địa sẵn sàng ứng phó trước bất kỳ hạn chế bổ sung tiềm ẩn của Mỹ. Các nhà sản xuất chip AI hàng đầu Trung Quốc bao gồm Cambricon Technologies Corp. và Huawei Technologies Co.
Đầu năm 2024, Trung Quốc cũng đã yêu cầu những nhà sản xuất xe điện nội địa mua thêm chip từ các doanh nghiệp sản xuất chip trong nước. Đây là một phần trong chiến dịch hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp những công nghệ quan trọng của Trung Quốc.Chính phủ Mỹ đã cấm Nvidia bán chip AI tiên tiến nhất cho các khách hàng Trung Quốc vào năm 2022, một phần trong nỗ lực hạn chế những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Nvidia, có trụ sở tại Santa Clara, California (Mỹ), đã điều chỉnh các phiên bản chip tiếp theo để có thể bán chúng cho các khách hàng Trung Quốc theo quy định của Bộ Thương mại Mỹ. Dòng chip H20 phù hợp với tiêu chí đó.
Trong những tháng gần đây, một số cơ quan quản lý của Trung Quốc, bao gồm Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin, đã ban hành chính sách “cửa sổ định hướng” (window guidance) để giảm việc sử dụng chip của Nvidia. Mục đích của chính sách này là nỗ lực tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thông qua những khuyến nghị thay vì áp dụng các luật lệ nghiêm ngặt.
Với chính sách trên, Trung Quốc khuyến khích các công ty trong nước dựa vào nguồn cung chip của những nhà sản xuất nội địa như Huawei và Cambricon, đồng thời mong muốn các công ty Trung Quốc xây dựng những hệ thống AI tốt nhất có thể.
Thế độc tôn của chip Nvidia
Trong khi đó, Tổng giám đốc điều hành của Nvidia, ông Jensen Huang ngày 27/9 cho biết, Nvidia đang nỗ lực tối đa để phục vụ tốt nhất các khách hàng tại Trung Quốc trong khi vẫn tuân thủ những quy định hạn chế của Chính phủ Mỹ. Theo ông, điều đầu tiên Nvidia phải làm là tuân thủ bất kỳ chính sách và quy định hiện hành nào của Mỹ đối với ngành công nghiệp chip và sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất cũng như sức cạnh tranh.
Nvidia, công ty sản xuất chip có giá trị lớn nhất thế giới, đã chứng kiến doanh số tăng vọt khi các nhà điều hành trung tâm dữ liệu trên toàn cầu tăng cường mua thêm chip của doanh nghiệp này. Thị trường Trung Quốc tiếp tục đóng góp một phần của sự tăng trưởng trên mặc dù chịu một số tác động tiêu cực từ các hạn chế thương mại.
Giám đốc Tài chính Nvidia Colette Kress, cho biết doanh thu từ mảng sản xuất chip cung cấp cho trung tâm dữ liệu tại thị trường Trung Quốc đã tăng đều đặn và là một yếu tố đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của doanh nghiệp này.
Chip của Nvidia là tiêu chuẩn vàng cho các công ty muốn phát triển dịch vụ AI. Những doanh nghiệp như Meta Platforms Inc., OpenAI và Alphabet Inc. đã đổ xô mua các chip tiên tiến nhất của Nvidia để có thể thiết kế và vận hành các mô hình AI hàng đầu. Một số doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, bao gồm ByteDance Ltd. và Tencent Holdings Ltd., đã tích trữ chip của Nvidia trước khi lệnh kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ có hiệu lực.
Trong khi đó, các nhà thiết kế và sản xuất chip của Trung Quốc đang nỗ lực đưa ra những giải pháp thay thế cho chip của Nvidia. Trung Quốc đã trợ cấp hàng tỷ USD cho ngành bán dẫn nước này nhưng chip AI nội địa hiện vẫn chưa "cùng đẳng cấp" với chip của Nvidia.
Dù vậy, Trung Quốc có một lĩnh vực AI đang phát triển mạnh mẽ, bất chấp các hạn chế thương mại của Mỹ. ByteDance và Alibaba Group Holding Ltd. đã đầu tư lớn vào lĩnh vực này nhằm chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trước sự cạnh trạnh quyết liệt của một loạt đối thủ mạnh.