Cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung Quốc vẫn chưa đi đến hồi kết. (Nguồn: Reuters) |
Kế hoạch 100 tỷ USD của Mỹ
Tờ Nikkei Asia thông tin, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer muốn nhanh chóng thông qua Đạo luật Không biên giới, một dự luật được lưỡng đảng ủng hộ, trong đó quyết định chi 100 tỷ USD trong 5 năm cho hoạt động nghiên cứu ở các lĩnh vực công nghệ tiên tiến trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung.
Tháng trước, ông Schumer nói với phóng viên rằng, ông đã chỉ đạo các ủy ban của Thượng viện soạn thảo các điều luật nhằm chiếm ưu thế trước Trung Quốc ở các lĩnh vực chủ chốt. Trong đó, Đạo luật Không biên giới giữ vai trò trung tâm.
Tình trạng thiếu chip toàn cầu thời gian qua đã bộc lộ những lỗ hổng trong các chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ. Điều này đã khiến ông Schumer và các đồng nghiệp của ông muốn thúc đẩy nhanh chóng Đạo luật. “Mục đích của chúng tôi là đưa đạo luật này ra trước Thượng viện trong mùa Xuân”, ông Schumer tuyên bố.
Đạo luật Không biên giới nhắm đến 10 lĩnh vực, bao gồm trí tuệ nhân tạo và công nghệ máy học, hệ thống thông tin và điện toán lượng tử, cũng như năng lượng công nghệ cao.
Mặc dù nguồn ngân sách từ đạo luật này hứa hẹn tạo ra các trung tâm công nghệ khu vực nhưng mối quan tâm chính của nó nằm ở việc chính phủ liên bang sẽ hỗ trợ các nghiên cứu cơ bản, làm nền tảng cho các công nghệ chủ chốt trong tương lai.
Tờ Nikkei Asia dẫn lời của GS. L. Rafael Reif từ Viện Công nghệ Massachusetts nhận thấy, hệ thống nghiên cứu khoa học ở Mỹ hiện không cung cấp ngân sách đầy đủ để đáp ứng thách thức từ Trung Quốc.
GS. L. Rafael Reif chỉ ra rằng, điều không may mắn là các nhà hoạch định chính sách đang tập trung vào việc khiến Trung Quốc suy yếu hơn là gia tăng sức mạnh cho nước Mỹ.
Đạo luật đầy tham vọng này thể hiện tư duy rộng lớn hơn ở Washington về những điều cần làm để giữ vững lợi thế của Mỹ về mặt công nghệ, khi phải đối mặt với nền kinh tế được nhà nước điều hành và chính sách công nghiệp năng nổ của Trung Quốc, thể hiện qua chiến lược “Made in China 2025”.
Nhiều nghĩ sĩ quốc hội và nhân viên chính phủ Mỹ đã đưa ra kết luận rằng, nước Mỹ cần một chính sách công nghiệp của riêng mình.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã đưa ra quan điểm trên trong một bài viết trên tờ Foreign Policy năm ngoái rằng, ủng hộ một chính sách công nghiệp từng được coi là điều đáng xấu hổ, nhưng ở thời điểm này, nó nên là điều hiển nhiên.
Ông Jake Sullivan cho rằng, lý do chính đáng là những quốc gia khác đang làm điều này, đặc biệt là các đối thủ của Mỹ. “Các doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục chịu bất lợi trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc nếu Washington tiếp tục phụ thuộc vào mảng nghiên cứu và phát triển ở khu vực tư nhân từ Bắc Kinh", Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ nói.
Tarun Chhabra, lãnh đạo bộ phận công nghệ trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ chỉ ra rằng, chính phủ nước này cũng đã từng chi tiêu cho công nghệ trong quá khứ.
"Mặc dù khu vực tư nhân ở Mỹ vẫn là một trong những khu vực sáng tạo nhất trên thế giới, chi tiêu của chính phủ giữ vai trò chủ chốt để hỗ trợ các công nghệ đầy hứa hẹn, tuy nhiên, điều này chưa được chứng minh với các ứng dụng thương mại điện tử”, ông Tarun Chhabra viết trên tờ Foreign Affairs.
Trung Quốc khó vươn tới "đỉnh cao công nghệ toàn cầu"
Về phía Trung Quốc, trong dự thảo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 được công bố ngày 5/3, các lãnh đạo Trung Quốc muốn đưa đất nước này thành siêu cường đổi mới không phụ thuộc vào công nghệ của ai, đặc biệt là Mỹ. Trung Quốc gọi việc phát triển công nghệ là vấn đề an ninh quốc gia thay vì chỉ nhằm phát triển kinh tế.
Theo kế hoạch, ngân sách cho nghiên cứu và phát triển sẽ tăng 7% mỗi năm, bao gồm cả khu vực công và tư nhân. Mức tăng này cao hơn cả ngân sách cho quốc phòng, vốn được dự kiến ở mức 6,8% vào năm nay. Cam kết mạnh tay đầu tư cho công nghệ được Trung Quốc đưa ra sau 4 năm đầy biến động trong quan hệ với nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, bình luận viên Paul Mozur và Steven Lee Myers của trang New York Times nhận định, con đường vươn tới "những đỉnh cao công nghệ toàn cầu", như mô tả của Chủ tịch Tập Cận Bình về khát vọng của Trung Quốc, rõ ràng vô cùng khó khăn.
Trước đây, Bắc Kinh từng đặt kế hoạch dành 2,5% GDP vào nghiên cứu và phát triển, nhưng mức chi tiêu thực tế không chạm đến mục tiêu đó.
Một lĩnh vực khiến nền kinh tế lớn thứ hai chật vật là vi mạch, khi hầu hết sản phẩm điện tử phụ thuộc vào nó. Các công ty của Trung Quốc lúng túng trước quá trình sản xuất chip vô cùng phức tạp, nên quyết định thay vì nghiên cứu, họ nhập khẩu phần lớn thiết bị bán dẫn cần thiết.
Công ty nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ IC Insights cho hay, mặc dù đã đầu tư hàng chục tỷ USD để nghiên cứu và sản xuất, sản lượng chip nội địa của Trung Quốc chỉ đáp ứng được 15,9% nhu cầu nước này trong năm 2020, cao hơn một chút so với mức 15,1% hồi năm 2014.
Vì vậy, theo trang TomDispatch lập luận, dù thế nào, Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong nhờ tiềm lực kinh tế dồi dào, đặc biệt quy tụ nhiều nhân tài hàng đầu thế giới và đa số các công ty phần mềm lớn đều có trụ sở tại Mỹ. Cùng với gói ngân sách "khủng" trị giá 100 tỷ USD, Trung Quốc khó soán ngôi Mỹ về công nghệ.