Người dân tập trung tại trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến, Trung Quốc. (Nguồn: CNN) |
Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn
Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande là một thử thách lớn đối với Bắc Kinh. Một số nhà phân tích lo ngại, nó thậm chí có thể biến thành khoảnh khắc Lehman Brothers (tập đoàn chứng khoán và ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ từng nộp đơn phá sản năm 2008, mở đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất từ sau Thế chiến II), gây ra những làn sóng chấn động nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bất động sản và các ngành liên quan chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc.
Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics Mark Williams nói rằng, sự sụp đổ của Evergrande sẽ là thử thách lớn nhất mà hệ thống tài chính Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm.
Ông Williams viết: “Căn nguyên của những rắc rối của Evergrande và của những nhà phát triển có đòn bẩy tài chính cao khác là nhu cầu bất động sản nhà ở tại Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên suy giảm. Sự sụp đổ của Evergrande đã khiến các nhà đầu tư chú ý vào tác động của một làn sóng vỡ nợ các doanh nghiệp bất động sản đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc".
Số phận của Evergrande vẫn còn lơ lửng, kể cả khi thời hạn chót của kế hoạch trả gần 84 triệu USD tiền lãi cho các trái chủ vào ngày 23/9 đã qua.
Các nhà đầu tư có thể phải đợi thêm một thời gian nữa để biết rằng, kết cục Evergrande sẽ thế nào với những khoản nợ khổng lồ? Hiện tại, tập đoàn này có thời gian ân hạn lên đến 30 ngày cho lần thanh toán trái phiếu đầu tiên. Khoản thanh toán thứ hai trị giá 47,5 triệu USD sẽ tiếp tục đến hạn vào tuần tới.
Ngày 24/9, cổ phiếu của Evergrande đã giảm gần 12% tại Hong Kong (Trung Quốc). Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu đã giảm 80%.
Nhiều đồn đoán rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ phải ra tay can thiệp để hạn chế sự thất bại của một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất nước này.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn.
Theo Bloomberg, tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm ròng 460 tỷ Nhân dân tệ (71 tỷ USD) tiền mặt ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng, bao gồm 70 tỷ Nhân dân tệ vào ngày 24/9. Điều đó giúp đảm bảo đủ thanh khoản trong suốt cuộc khủng hoảng Evergrande, cũng như đáp ứng nhu cầu thanh khoản tăng cao trước kỳ nghỉ kéo dài một tuần của Trung Quốc vào đầu tháng 10/2021.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn bảo vệ hàng nghìn người Trung Quốc đã mua căn hộ chưa hoàn thiện, công nhân xây dựng, nhà cung cấp, nhà đầu tư nhỏ, cũng như hạn chế rủi ro cho các công ty bất động sản khác.
Quốc gia này cũng phải đưa ra được thông điệp trong việc kiềm chế sự phát triển không lành mạnh của thị trường bất động sản.
Quốc hữu hóa - Tin tốt trong ngắn hạn?
Có đồn đoán khác lại cho rằng, việc quốc hữu hóa Evergrande một cách hiệu quả có thể là một trong những lựa chọn của Bắc Kinh.
Trang tin tức Asia Markets đưa tin, chính phủ Trung Quốc đang hoàn tất thỏa thuận tái cấu trúc Evergrande với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nhà nước.
Trích dẫn các nguồn giấu tên thân cận với chính phủ Trung Quốc, trang tin tức này cho biết, Evergrande sẽ được chia thành ba thực thể riêng biệt và việc tái cơ cấu có thể được công bố trong vòng vài ngày tới.
Nhà kinh tế trưởng của Greater China Iris Pang cho hay: "Nhiều khả năng chính phủ phải bơm vốn vào Evergrande để tập đoàn này có thể tiếp tục xây dựng và sau đó bán bất động sản để lấy tiền mặt trả nợ. Với nguồn vốn của chính phủ, rất có thể Evergrande có thể trở thành một doanh nghiệp nhà nước hoặc trở thành một phần của các doanh nghiệp nhà nước rót vốn vào Evergrande".
Tin liên quan |
Ngang ngửa vụ Lehman Brothers, gã khổng lồ địa ốc Trung Quốc Evergrande đã gây ra chuyện gì? |
Việc quốc hữu hóa sẽ là tin tốt cho Evergrande, thị trường tài chính và nền kinh tế trong thời gian tới.
Evergrande đang phải gồng mình dưới sức nặng của tổng nợ phải trả khoảng 300 tỷ USD và một số nhà phân tích lo ngại, sự sụp đổ có thể châm ngòi cho khoảnh khắc Lehman Brothers của Trung Quốc bằng cách gây ra những cú sốc qua hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Stephen Cheung và Calvin Leung, hai nhà phân tích cổ phần của Jefferies tại Hong Kong (Trung Quốc) nhận định, đối với Evergrande, trở thành doanh nghiệp nhà nước sẽ giúp tập đoàn này khôi phục niềm tin đối với người mua nhà. Theo phân tích gần đây từ Bank of America, hiện có 200.000 căn nhà chưa được bàn giao cho người mua.
Động thái này cũng sẽ "giảm bớt áp lực thanh khoản trong ngắn hạn" cho Evergrande, đồng thời giúp việc tái cơ cấu nợ dễ dàng hơn với các trái chủ trong và ngoài nước.
Song song với đó, khi Evergrande trở thành doanh nghiệp nhà nước, chính phủ Trung Quốc có quyền kiểm soát lớn hơn đối với thị trường bất động sản của quốc gia này. 6/10 nhà phát triển bất động sản hàng đầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là doanh nghiệp nhà nước hoặc được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư nhà nước.
Nỗi lo dài hạn
Nhưng ngay cả khi Evergrande được quốc hữu hóa, những lo ngại dài hạn về sự suy giảm tài sản của Trung Quốc có thể sẽ vẫn tồn tại. Và đó là rủi ro lớn hơn đối với nền kinh tế Trung Quốc trong trung hạn.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), doanh số bán nhà ở đã giảm gần 20% trong tháng 8/2021 so với một năm trước - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2020, khi Trung Quốc đóng cửa các thành phố và áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Đầu tư bất động sản trong tháng 8/2021 chỉ tăng 0,3%, so với 1,4% trong tháng 7/2021, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp tăng trưởng chậm lại.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao của Capital Economics nhận định: “Nhu cầu về nhà ở đô thị mới xây hiện đang bước vào thời kỳ suy giảm cấu trúc kéo dài”.
Nhu cầu về nhà ở đang giảm bớt vì một số lý do. Đơn cử như số lượng các cuộc hôn nhân đã giảm 40% kể từ năm 2013, làm giảm nhu cầu từ các cặp vợ chồng mới cưới hay tốc độ tăng dân số thành thị đã chậm lại.
Nhà kinh tế Evans-Pritchard nói: "Điều này có nghĩa là các nhà phát triển bất động sản sẽ phải cạnh tranh trên một chiếc bánh đang thu hẹp. Môi trường cho các nhà phát triển sẽ gặp nhiều thách thức hơn".
| Sở hữu kỹ năng tài chính siêu việt, vì sao Evergrande vẫn không thoát khỏi cảnh nợ nần? Trong mớ thông tin hỗn độn của Evergrande, các chuyên gia đã tìm ra cách thức mà tập đoàn này xoay sở để thao túng ... |
| Kinh tế Trung Quốc có lao đao trước 'bom nợ' Evergrande? Nếu chính phủ Trung Quốc có thể xử lý vấn đề Evergrande một cách thuận lợi, quốc gia này thậm chí có thể biến rủi ... |