📞

Trung Quốc muốn chiếm lĩnh thị trường năng lượng hydro?

Trường Phan 09:52 | 09/04/2021
Theo một nghiên cứu của Fortune Business Insights cho biết xu hướng sử dụng pin nhiên liệu hydro là lựa chọn thay thế hàng đầu cho năng lượng động cơ đốt trong được sử dụng phổ biến hiện nay.

Fortune Business Insights cho biết thêm, tỷ trọng tăng trưởng của xu hướng này sẽ chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự đoán sẽ chiếm thị phần lớn nhờ vào sự khuyến khích triển khai năng lượng hydro, cùng với việc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ phía chính phủ các nước.

Ngoài ra, khả năng chiếm thị phần cũng nhờ vào năng lực sản xuất các kho chứa nhiên liệu trong khu vực rất lớn và quy mô hiện diện của các nhà sản xuất xe sử dụng pin năng lượng ngày càng mở rộng.

Thay thế xe chạy bằng năng lượng hydro được coi là chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc. (Nguồn: Asia Times)

Các nhà phân tích tập đoàn dịch vụ tài chính JP Morgan giải thích trong báo cáo tháng Ba vừa qua rằng, với mục tiêu trung hòa carbon hiện đã được áp dụng, chúng ta có thể lạc quan rằng nặng lượng hydro có khả năng cạnh tranh thương mại vào năm 2030.

Sự hỗ trợ từ trên xuống dưới

Mới đây, Trung Quốc tuyên bố vận tải mặt đất chạy bằng năng lượng hydro trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong ngân sách đầu tư công nghệ trị giá 560 tỷ USD mỗi năm. Cam kết của Trung Quốc đối với hydro đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu.

Trong một báo cáo tháng 3/2021 có tựa đề “cửa ngõ vào tương lai hydro của Trung Quốc”, JP Morgan nhận định năng lượng sạch hydro rõ ràng có tiềm năng đóng một vai trò then chốt trong nỗ lực cắt giảm carbon năm 2060 của Trung Quốc.

Bên cạnh việc lần đầu tiên Bắc Kinh liệt kê hydro là một nguồn năng lượng trong Luật Năng lượng năm 2020 của Trung Quốc, nước này cũng thiết lập các khoản trợ cấp cho dòng sử dụng pin nguyên liệu (FCV) thông qua các cơ quan chính phủ, với trọng tâm là vận tải hàng hóa và vận tải công cộng đô thị.

Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tiếp nhiên liệu và vận chuyển bằng hydro trở nên khả thi hơn về mặt kinh tế. Theo chỉ thị của chính phủ ban hành vào tháng 9/2020, trợ cấp của chính phủ trung ương cho lĩnh vực FCV có thể lên tới 17 tỷ NDT, tùy thuộc vào tốc độ riển khai của các thành phố.

Đây được coi là chất xúc tác mạnh mẽ để tạo ra sự phát triển năng lượng hydro ở Trung Quốc nhờ vào hỗ trợ chính sách từ trên xuống, cải tiến công nghệ và chiến lược kinh tế.

Trung Quốc dự kiến ​​số lượng xe chạy pin nhiên liệu hydro sẽ có 50.000 chiếc vào năm 2025 và 1 triệu chiếc vào năm 2030. Một nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu nhà nước SAIC có kế hoạch sản xuất 10.000 FCV mỗi năm vào năm 2025. Đặc biệt, sự ra đời liên doanh sản xuất giữa ba công ty lớn Ares Motors, Wisdom Motors và Chery Holdings dự kiến ​​sẽ sản xuất 4.000 chiếc PEV và FCV vào năm 2021 tại cơ sở ở Phúc Kiến, và vượt mốc 10.000 chiếc trong vòng vài năm.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ô tô quốc tế lớn đang hướng tới thị trường Trung Quốc, cả với tư cách là nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) và nhà sản xuất linh kiện. Toyota thành lập liên doanh với FAW Group vào năm 2019, sẽ bắt đầu cung cấp hệ thống pin nhiên liệu cho xe tải và xe buýt tại Trung Quốc vào năm 2022.

Tạo ra cuộc cạnh tranh năng lượng sạch toàn cầu

Cam kết của Trung Quốc đối với xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro đã thúc đẩy một cuộc đua tranh năng lượng sạch mới. Các nước châu Âu, Nhật Bản và Đức đã tuyên bố năm 2021 là năm của công nghệ hydro.

Nhiều nhận định cho rằng trong khoảng một thập niên tới, các phương tiện chở khách chạy bằng pin sẽ thống trị thị trường các sản phẩm thay thế carbon dùng cho động cơ đốt trong.

Ở châu Âu, công ty Scania thuộc sở hữu của Volkswagen, một trong những nhà sản xuất xe tải lớn nhất châu Âu, đang đánh cược vào những cải tiến trong công nghệ nhằm cho phép các loại xe tải chạy bằng pin từ năng lượng hydrod có thể chở tải trọng tiêu chuẩn 40 tấn trong 4,5 giờ.

Trong khi đó, Volvo và Daimler đã hợp tác với “ông trùm năng lượng” Shell để biến hydro trở thành tiêu chuẩn thương mại trong tương lai cho vận tải đường bộ ở châu Âu. Nhóm này đã xây dựng chiến lược “H2-accelerate” do Shell dẫn đầu nhằm tạo một hiệp hội thương mại vận chuyển hàng hóa, với mạng lưới các trạm tiếp nhiên liệu hydro được xây dựng trên khắp châu Âu. Dự đoán rằng, châu Âu sẽ có 10.000 xe tải hydro hoạt động vào năm 2025 và 100.000 vào năm 2030.

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về việc triển khai năng lượng mặt trời tiết kiệm chi phí. Nhiều nhà phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ làm được điều tương tự với hydro. Trung Quốc hiện sản xuất một phần ba lượng hydro trên thế giới, tương đương 20 triệu tấn mỗi năm, hoặc đủ để đáp ứng một phần mười tổng nhu cầu năng lượng của cả nước.

Ngoài chi phí sản xuất hydro tương đối thấp, việc chuyển đổi sang nguồn nhiên liệu này góp phần vào an ninh năng lượng của Trung Quốc, cũng như cân nhắc về kinh tế và môi trường.

Sự kết hợp giữa sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và chuỗi cung ứng mạnh mẽ cho công nghệ FCV cũng như nhiên liệu hydro tạo điều kiện cho các công ty năng lượng hydro có thể nhanh chóng phát triển. Hơn nữa, sự kết hợp giữa quyền sở hữu trí tuệ đối với pin nhiên liệu xe và quan hệ đối tác với các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc cho phép mở rộng quy mô sản xuất xe rất nhanh chóng.

(theo Asia Times)