Khách hàng tại một nhà hàng ở quảng trường mua sắm Huaxi Live ở quận Haidian, Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: CNN) |
Hệ quả từ đại dịch
Ngày 15/6, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, tháng 5, doanh số bán lẻ đã giảm 6,7% so với một năm trước. Con số này đã cải thiện so với mức giảm 11,1% vào tháng 4, nhưng vẫn đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp nhiều thách thức sau đợt bùng phát đại dịch Covid-19 tồi tệ nhất trong hai năm. Nhiều thành phố đã bị đóng cửa toàn bộ hoặc một phần kể từ tháng 3, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là doanh số bán lẻ - chiếm khoảng 38% GDP.
NBS cũng công bố nhiều tin xấu hơn về nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà phân tích lo ngại, nền kinh tế Trung Quốc có thể suy giảm trong quý II/2022.
Dữ liệu của NBS cho thấy, chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm ở hầu hết mọi ngành hàng trong tháng 5 - ngoại trừ thực phẩm, đồ uống và xăng dầu.
Doanh thu dịch vụ ăn uống giảm 21% do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vì Covid-19 của chính phủ Trung Quốc buộc các nhà hàng phải đóng cửa và giữ người tiêu dùng ở nhà. Doanh số bán ô tô cũng sụt giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 145.464 chiếc trong tháng 5.
Fu Linghui, người phát ngôn của NBS cho biết: “Bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất ngờ như môi trường quốc tế phức tạp và các đợt bùng phát Covid-19 mạnh mẽ trong nước, áp lực đối với nền kinh tế đã gia tăng trong quý II/2022”.
Trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng lên mức kỷ lục mới. Nguyên nhân bởi các ngành dịch vụ có xu hướng thuê lao động trẻ tuổi phải ngừng kinh doanh vì Covid-19 và hoạt động tiêu dùng của người dân bị hạn chế.
Theo ông Fu Linghui, đợt bùng phát của Covid tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở những người trong độ tuổi từ 16-24 tăng thêm lên 18,4% vào tháng 5, mức cao kỷ lục mới, sau khi chạm mức 18,2% vào tháng 4.
Khu vực dịch vụ, vốn là trụ cột của thị trường lao động bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi đại dịch. Dữ liệu của NBS cho thấy, sản lượng từ khu vực này giảm 5,1% trong tháng 5.
Sinh viên đại học Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với mùa tốt nghiệp khó khăn nhất từ trước đến nay, với con số kỷ lục 10,76 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp trong hai tháng tới. Thậm chí, tuần trước chính phủ Trung Quốc còn thúc giục sinh viên tốt nghiệp đại học tìm kiếm việc làm ở vùng nông thôn.
Những điểm sáng
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc trong tháng 5 cũng có một số điểm sáng.
Sản xuất công nghiệp cải thiện nhẹ. Sản lượng sản xuất tăng 0,7% trong tháng 5, đảo ngược mức giảm 2,9% trong tháng 4.
Đầu tư vào tài sản cố định cũng tăng 6,2% trong 5 tháng đầu năm nay, tốt hơn kỳ vọng của thị trường. Đà tăng trưởng phần lớn được thúc đẩy bởi chi tiêu mạnh hơn vào sản xuất và cơ sở hạ tầng.
Một con phố vắng lặng tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 26/5. (Nguồn: CNN) |
Theo nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ING Group Iris Pang, xuất khẩu và nhập khẩu tăng trở lại là do cảng Thượng Hải - cảng lớn nhất của Trung Quốc đã mở cửa trở lại vào tuần cuối cùng của tháng 5.
Chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Capital Economics Sheana Yue nhận định: "Dữ liệu tháng 5 cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau đợt phong tỏa nghiêm ngặt vì Covid-19. Nền kinh tế có thể tiến triển hơn nữa trong tháng 6".
"Thách thức gay gắt nhất trong 30 năm"
Dù vậy, không thể phủ nhận, khi nền kinh tế từ từ mở cửa trở lại, Covid-19 vẫn là một rủi ro.
Bà Sheana Yue nhấn mạnh: "Sự phục hồi trong hoạt động tiêu dùng của người dân vẫn còn một chặng đường dài. Sự không chắc chắn, đặc biệt là về thu nhập trong tương lai, đã đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng".
Thêm vào đó, thị trường bất động sản, chiếm tới 29% GDP của Trung Quốc vẫn còn yếu. Doanh số bán bất động sản giảm 31,5% từ tháng 1 đến tháng 5. Đầu tư bất động sản cũng giảm 4% trong tháng 5.
Một cuộc khảo sát gần đây của China Real Estate Information, một công ty nghiên cứu bất động sản tư nhân tại Trung Quốc chỉ ra rằng, doanh số bán hàng của 100 nhà phát triển hàng đầu của đất nước đã giảm 59% trong tháng 5 so với một năm trước.
Zhiwei Zhang, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management nhận thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với "thách thức gay gắt nhất trong 30 năm qua".
Ông Zhiwei Zhang nói: "Với nguy cơ bùng phát của Covid-19 và các lệnh phong tỏa có thể được đưa ra bất cứ lúc nào, người tiêu dùng và doanh nhân đang trở nên khá thận trọng.
Sự thay đổi hành vi của họ tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Điều này có nghĩa là nền kinh tế có thể sẽ hoạt động dưới mức tiềm năng, khi chính phủ có những hành động quyết định để thúc đẩy tăng trưởng".
Nhiều nhà phân tích cũng thận trọng khi đánh giá về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo các nhà phân tích của Tập đoàn tài chính HSBC, dữ liệu thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 không làm thay đổi quan điểm rằng, thặng dư thương mại của nước này sẽ thu hẹp. Nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang suy yếu do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Mới đây, Ngân hàng thế giới (WB) cũng cảnh báo, rủi ro lạm phát đình trệ đang gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Dự kiến tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 5,7% vào năm 2021 xuống 2,9% vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% đã được dự đoán vào đầu năm nay.
Trong khi đó, lạm phát toàn cầu nhiều khả năng vẫn tăng mạnh ở nhiều nền kinh tế.
Các nhà phân tích của HSBC cho rằng, việc Bắc Kinh thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản sẽ giúp hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tăng, từ đó, gia tăng vấn đề lạm phát của nước này.