Ông Liang Shi ôn thi đại học ở tuổi ngoài 50. (Nguồn: AFP) |
Ông Liang thi đại học lần đầu tiên năm 1983 nhưng không đỗ. Người đàn ông ở tỉnh Tứ Xuyên thử sức trong hai năm sau đó nhưng đều không thành công.
Năm 1986, bố mẹ thuyết phục Liang đi học một trường trung cấp kỹ thuật, tuy nhiên, chỉ một năm sau, ông bỏ học với lý do không muốn làm việc cạnh những chiếc máy ồn ào.
Liang sau đó vừa đi làm, vừa tự học để thi tiếp.
Năm 1991, Liang làm việc trong một nhà máy gỗ rồi kết hôn nhưng vẫn nuôi ước mơ thi đại học.
Năm 1992, ông tham dự kỳ thi đại học riêng dành cho người lớn do bị giới hạn độ tuổi và được nhận vào Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh. Tuy nhiên, vì không thích, Liang không nhập học.
Để lo cho gia đình, ông Liang làm nghề bán quần áo, tủ lạnh và tivi. Sau đó, ông mở một nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng và kiếm được một triệu Nhân dân tệ trong vòng chưa tới một năm.
Năm 2001, Bộ Giáo dục Trung Quốc gỡ bỏ giới hạn về độ tuổi thi vào đại học, ông Liang quyết định ôn thi lại. Do bận công việc, Liang chỉ tham gia được kỳ thi năm 2002 và 2006. Từ 2010 đến nay, năm nào ông cũng dự thi.
Trong đó, năm 2011, ông Liang đi thi cùng con trai. Ông trượt, còn con trai ông giờ đã tốt nghiệp thạc sĩ.
Điểm số cao nhất mà Liang từng đạt được là 469/750 vào năm 2018. Năm 2019, ông cũng giành 462 điểm nhưng không nộp vào bất cứ trường nào vì mục tiêu là Đại học Tứ Xuyên. Đây là trường đại học hàng đầu, trong top 20 của Trung Quốc.
Nỗ lực đi thi của Liang khiến ông nhận phản ứng trái chiều. Bên cạnh những lời động viên, khen ngợi sự kiên trì, không ít người cho rằng ông đang mất thời gian và năng lượng. Nhưng ông không nản lòng.
Liang nói: "Mỗi người có một mục tiêu khác nhau để theo đuổi. Bạn không thể nói ai đúng, ai sai. Miễn là luật pháp cho phép thì việc này là hợp lý" .
Để chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, mỗi ngày Liang ra khỏi nhà lúc 8h, bắt tàu điện ngầm đến quán trà của một người bạn học bài rồi trở về lúc 21-22h. Liang chợp mắt buổi trưa trên ghế băng ở quán.
Ở tuổi này, Liang thừa nhận khó dậy sớm. Ông muốn thực hiện ước mơ của mình càng sớm càng tốt nên không còn đặt mục tiêu vào Đại học Tứ Xuyên nữa.
"Đại học trọng điểm cũng được. Nếu đủ điểm, tôi sẽ theo học", Liang nói.