📞

Trung Quốc 'nhắn nhủ' Nga và Ukraine, Tổng giám đốc IAEA lên kế hoạch mới

Bảo Minh 17:16 | 26/01/2024
Trung Quốc kêu gọi Nga và Ukraine tăng cường trao đổi trực tiếp, từng bước khôi phục đàm phán hòa bình để tiến đến kết thúc cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ 3.
Biện pháp ngoại giao giải quyết xung đột Nga-Ukraine là mục tiêu mà cả IAEA, Trung Quốc và nhiều nước nhắm đến. (Nguồn: Adobe Stock)

Sputniknews dẫn lời Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Đới Binh phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an tối 25/1 nói: "Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan tăng cường tham gia và đối thoại trực tiếp, từng bước nối lại đàm phán để có thêm đồng thuận".

Ông cho rằng, cộng đồng quốc tế phải thể hiện sự cấp bách hơn và tăng cường hòa giải ngoại giao nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine.

Cùng ngày, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo cho biết, cơ quan quốc tế này hoan nghênh hoạt động trao đổi tù nhân gần đây giữa Ukraine và Nga, đồng thời kêu gọi cả hai nước kiên trì theo đuổi các hoạt động tương tự.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi tuyên bố, trong 10 ngày tới ông sẽ đến thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (Ukraine), thăm Kiev và Nga.

Chuyến thăm sẽ thực hiện việc thay đổi luân phiên đại diện của IAEA tại nhà máy trên, lần thay đổi thứ 16 kể từ đầu cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga.

Ông Grossi cũng nhấn mạnh đến các cuộc trao đổi với lãnh đạo phía Nga tại nhà máy Zaporizhzhia, hiện do Moscow quản lý. Còn tại Nga chuyến thăm của ông nhằm tiến hành “đối thoại chính trị và kỹ thuật”.

Tuy nhiên ông cũng nói thêm, hiện tại chưa thể nói đến việc ổn định tình hình tại cơ sở năng lượng hạt nhân lớn nhất châu Âu này.

Lãnh đạo IAEA cũng chỉ ra rằng, một biện pháp ngoại giao giải quyết xung đột là mục tiêu ông nhắm tới.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với 6 tổ máy đã ngừng phát điện từ tháng 9/2022. Do tầm quan trọng của nó mà IAEA đã cử các chuyên gia thường trực tại đây. Hiện nhà máy do một công ty thuộc tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom quản lý.