📞

Trung Quốc nối dài “chuỗi ngọc trai”

08:00 | 22/07/2017
Mới đây, Trung Quốc đã triển khai một số lượng binh sĩ tới Cộng hòa Djibouti, căn cứ quân sự đầu tiên của Bắc Kinh tại nước ngoài. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc mở rộng sự hiện diện, tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ra thế giới.

Theo thông cáo đăng tải trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, căn cứ tại Djibouti được thiết lập nhằm bảo đảm các nghĩa vụ quốc tế của nước này như bảo vệ, gìn giữ hòa bình và viện trợ nhân đạo ở châu Phi và Tây Á. Bên cạnh đó, căn cứ này cũng giúp thực hiện các mục tiêu riêng của Trung Quốc tại nước ngoài, bao gồm hợp tác quân sự, tập trận chung, bảo hộ công dân, đồng thời duy trì an ninh hàng hải quốc tế. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh động thái này “không nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự và tạo ảnh hưởng tại khu vực”.

Các binh sĩ Trung Quốc khởi hành tới căn cứ tại Djibouti. (Nguồn: AP)

Việc đưa binh sĩ tới Djibouti được đánh giá là động thái tất yếu bởi từ lâu, Trung Quốc đã tìm cách tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, mở ra những thị trường mới và đầu tư cơ sở hạ tầng rộng rãi khắp châu Phi. Theo Huffington Post, Djibouti được Bắc Kinh lựa chọn do tình hình an ninh chính trị tương đối ổn định và vị trí đặc biệt chiến lược. Với vị trí địa lý nằm gần eo biển Mandeb và kênh Suez-Aden, Djibouti đóng vai trò là một điểm trung chuyển hàng hải quốc tế lớn. Ước tính,10% lượng dầu xuất khẩu của thế giới phải đi qua khu vực này. Cũng vì thế, nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã thiết lập sự hiện diện quân sự tại đây nhằm tăng cường ổn định khu vực và bảo đảm an ninh hàng hải.

Sự mở rộng hiện diện quân sự này của Trung Quốc nhận được nhiều quan tâm từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Trong bối cảnh Trung Quốc hiện là nhà tài trợ lớn nhất của Djibouti với ít nhất 14 dự án trị giá khoảng 14,4 tỷ USD và đang có kế hoạch tăng cường số tàu hải quân lên đến con số 351 vào năm 2020, Mỹ đứng trước nguy cơ bị “soán ngôi” tại khu vực Ấn Độ Dương. Điều này cũng từng được dự báo trong báo cáo năm 2014 của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ - Trung: “Với sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc và kế hoạch tinh giản của hải quân Mỹ, sự cân bằng quyền lực và sự hiện diện trong khu vực đang chuyển hướng sang Trung Quốc”.

Mặt khác, việc thiết lập một căn cứ quân sự tại Djibouti còn được xem như chìa khóa quan trọng nhằm hiện thực hóa sáng kiến “Vành đai và con đường” của Bắc Kinh. Cùng với các dự án cơ sở hạ tầng đang được triển khai ở Sri Lanka, Bangladesh hay Pakistan, căn cứ quân sự tại Djibouti sẽ góp phần nối dài “chuỗi ngọc trai” kết nối giữa Trung Quốc với biển Arab và Ấn Độ Dương.

Như một mũi tên trúng ba đích, việc triển khai binh sĩ tại Djibouti của Trung Quốc vừa qua tiếp tục khẳng định tiềm lực quân sự, sức mạnh kinh tế và đặc biệt là vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước này trên bàn cờ chính trị quốc tế.