Ngoại trưởng Trung Quốc đề cập quan hệ ngoại giao với Mỹ, châu Âu và Ấn Độ trước thềm Măm mới - Ảnh: Sau vòng đàm phán thứ 17 của tư lệnh cấp cao Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước nhất trí cùng duy trì ổn định trên thực địa, tránh bất kỳ sự cố mới nào ở Đông Ladakh. (Nguồn: National Herald India) |
Phát biểu tại Hội nghị Nghiên cứu và thảo luận về tình hình quốc tế và ngoại giao Trung Quốc năm 2022, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẽ “điều chỉnh lại” quan hệ với Mỹ và tăng cường liên lạc với châu Âu.
Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy những nhận thức chung đạt được giữa nguyên thủ hai nước và nỗ lực đưa quan hệ song phương trở lại con đường đúng đắn.
Về châu Âu, Bắc Kinh sẽ tăng cường liên lạc chiến lược và trao đổi cấp cao với khu vực này. Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối bất kỳ hình thức bá quyền và bắt nạt nào, song không nêu tên quốc gia cụ thể.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí cùng ngày, ông Vương Nghị khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với New Delhi để hướng tới “sự phát triển ổn định và lành mạnh” của mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ. Hai nước cam kết duy trì yên tĩnh ở khu vực biên giới và hiện tiếp tục liên lạc với nhau qua kênh ngoại giao và quân sự.
Đây là tuyên bố đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc sau vụ đụng độ giữa binh lính nước này và Ấn Độ tại khu vực Tawang, bang Arunachal Pradesh ngày 9/12.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khẳng định khi đang đi tuần tra, các binh sĩ nước này đã bị cản trở khi Quân đội Ấn Độ “xâm nhập bất hợp pháp” qua Đường Kiểm soát thực tế (LAC). New Delhi cho rằng Bắc Kinh nỗ lực đơn phương thay đổi thực trạng, song Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
Ít lâu sau đó, ngày 20/12 tư lệnh quân đoàn hai nước cũng đã tổ chức vòng đàm phán lần thứ 17, trong đó quyết định duy trì an ninh, ổn định ở khu vực Đông Ladakh.
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tại đàm phán, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí duy trì an ninh và ổn định trên thực địa ở khu vực phía Tây. Hai bên nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ, duy trì đối thoại thông qua các kênh quân sự và ngoại giao, đồng thời sớm tìm ra giải pháp có thể chấp nhận cho các vấn đề còn tồn đọng.