South China Moring Post đưa tin, số hóa thạch trứng hiếm thấy nói trên được phát hiện ở một vùng sa mạc hẻo lánh thuộc khu tự trị Tân Cương. Thông tin được một nhóm chuyên gia Trung Quốc và Brazil công bố trên tạp chí Science hôm 1/12.
Đây là số lượng hóa thạch trứng bò sát lớn nhất từng được tìm thấy và các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện này sẽ giúp cung cấp thêm kiến thức về đời sống của loài thằn lằn bay.
Số trứng hóa thạch được tìm thấy ở Tân Cương. (Nguồn: SCMP) |
Trả lời trên trang tin tiếng Trung The Paper, ông Wang Xiaolin (nhà khoa học làm việc tại Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân loại học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, người đã có 10 năm nghiên cứu khu vực nói trên) cho biết, khu vực này, vốn được ông gọi bằng cái tên "vườn địa đàng của thằn lằn bay", sở hữu nhiều vết tích của loài sinh vật cổ đại.
"Bạn có thể phát hiện một con thằn lằn bay trong phạm vi chỉ 1km2", ông Wang nói.
Thằn lằn bay là loài động vật có xương sống sớm nhất được biết đến với khả năng bay và chúng có thể bay qua vùng đầm hồ cũng như biển nông.
Khu vực phát hiện hóa thạch trứng thằn lằn bay. (Nguồn: Wikimedia Commons) |
Số trứng được phát hiện thuộc Kỷ Phấn trắng (Creta) Hạ, cách đây từ 100 - 145 triệu năm. Trong đó, 16 quả trứng có phôi bên trong, phôi hoàn thiện nhất có một bên cánh cũng như xương sọ, bao gồm phần hàm dưới.
Các nhà nghiên cứu tin rằng loài thằn lằn bay sống theo bầy, không phải sống một mình. Điều này lý giải cho việc tại sao có thể tìm thấy nhiều hóa thạch trứng và bộ phận cơ thể loài vật này tại cùng một địa điểm.