Ảnh minh họa. |
EU “xôn xao” chờ đợi
Trong khi con số chính xác vẫn chưa được quyết định thì cam kết này vẫn sẽ đánh dấu bước tiến mới nhất trong nỗ lực định hình quản trị kinh tế toàn cầu của Trung Quốc gây bất lợi cho Mỹ. Đặc biệt là sau khi chính phủ các nước có ảnh hưởng của EU quyết định tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh dẫn đầu, bất chấp sự phản đối của Washington.
Dự kiến, khoản đầu tư "khủng" nói trên sẽ đến từ sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, nhằm mục đích xây dựng các tuyến đường chuyên chở năng lượng và thông tin liên lạc các vùng Trung, Tây và Nam Á đến tận Hy Lạp. Theo dự thảo cuối cùng, "Trung Quốc đã thông báo sẽ dành một số tiền sẵn sàng để đồng tài trợ đầu tư chiến lược có lợi ích chung trên toàn EU" và "các thỏa thuận này sẽ được hoàn thiện tại một cuộc họp khác vào tháng Chín tới".
Một nhà ngoại giao EU cho biết, đóng góp của Trung Quốc có khả năng sẽ là "tiền tỷ". Các quan chức EU và Trung Quốc nói với báo giới rằng, các ngân hàng Trung Quốc đang chủ yếu quan tâm tới các dự án viễn thông và công nghệ. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, người sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, sẽ đồng ý với các nhà lãnh đạo EU về khoản tiền khoảng 315 tỷ Euro (khoảng 354.94 tỷ USD) nhằm "tạo cơ hội cho Trung Quốc đầu tư vào EU, đặc biệt là trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và sáng tạo".
Nếu được ký kết, thỏa thuận này sẽ là một thành công của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, người từng phải đối mặt với sự hoài nghi vào năm ngoái - khi ông đề xuất Quỹ châu Âu cho đầu tư chiến lược (EFSI), vì các chính phủ thành viên EU đang đặt rất ít vốn đầu tư ban đầu cho việc này.
Pháp, Đức, Ý và Ba Lan, mỗi nước đã công bố sẽ đóng góp 8 tỷ Euro, còn Tây Ban Nha và Luxembourg sẽ đóng góp ít hơn. Khối này dựa chủ yếu vào các nhà đầu tư tư nhân và các ngân hàng phát triển để tài trợ cho các dự án được lựa chọn từ gần 2.000 đề xuất của 28 quốc gia thành viên, với tổng trị giá là 1.300 tỷ Euro.
Khoản đầu tư lớn của Trung Quốc có thể dẫn đến việc phải quan tâm đến công tác quản trị quỹ, điều mà cho đến nay hoàn toàn là một thể chế thuộc châu Âu. Một nhà ngoại giao EU cho biết, mọi người chưa biết liệu Trung Quốc có yêu cầu có đại diện cho tương xứng với sự đóng góp của mình hay không.
Quyết định mời Bắc Kinh tham gia vào một quỹ EU có thể gây ra một số khó chịu cho Washington, hiện đang cảnh giác với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh và buồn bã với việc châu Âu không đoái hoài tới lời kêu gọi hãy đứng ngoài AIIB của mình.
Trung Quốc đã kiểm chứng sự thống trị của Mỹ ở Mỹ Latin khi cung cấp 250 tỷ USD đầu tư trong thập kỷ tới cho khu vực này. Đồng thời, các công ty Trung Quốc cũng đổ tiền vào châu Phi để đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa bằng các thoả thuận xây dựng đường giao thông mới, bệnh viện và các tuyến đường sắt. Mỹ và các tổ chức nhân quyền phàn nàn Trung Quốc và các công ty của nước này đang giành ảnh hưởng một phần thông qua tham nhũng và bỏ qua các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và nhân quyền. Những lời chỉ trích tương tự cũng chĩa vào các công ty đa quốc gia phương Tây ở các nước đang phát triển.
Một sự trao đi đổi lại
Alessandro Carano, cố vấn của Ủy ban châu Âu về tài chính, đã bảo vệ quyết định chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc: "Mục đích là để huy động thanh khoản trên thị trường. Chúng tôi không phân biệt các chủ sở hữu của các quỹ". Ông Carano nói: "Trung Quốc đã là một nhà đầu tư lớn. Chúng tôi không muốn có bất kỳ thành kiến nào". Đổi lại cho đầu tư của mình, Trung Quốc muốn có một sự đáp lại của châu Âu. Theo đó, các công ty và chính phủ châu Âu sẽ có một sự quan tâm lớn hơn về sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của ông Tập Cận Bình.
Trung Quốc muốn tạo ra một vành đai kinh tế theo "con đường tơ lụa hiện đại" với các mạng đường sắt, đường cao tốc, đường ống dẫn dầu và khí đốt, hệ thống điện, mạng Internet, liên kết hàng hải và các cơ sở hạ tầng khác qua khắp miền Trung, Tây và Nam Á tới tận Hy Lạp. Đại sứ Trung Quốc tại EU Yang Yanyi cho biết: "Chúng tôi đang tìm kiếm những cách thức để xây dựng sự hiệp lực giữa sáng kiến "'Một vành đai, một con đường" và "kế hoạch Juncker" để đầu tư vào các sản phẩm tốt". Ông Yang Yanyi cũng mô tả việc thực hiện kế hoạch này như một "cơ quan linh động" có thể sắp xếp các dự án của châu Âu sao cho phù hợp với lượng tiền Trung Quốc".
Các quan chức cao cấp EU đã gặp gỡ các giám đốc điều hành và cán bộ của Ngân hàng Trung Quốc, HSBC, Ngân hàng xây dựng Trung Quốc ở châu Âu, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và các công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, ZTE tại một hội thảo.
Ngoài ra, Ủy ban EU đang tìm hiểu liệu Liên minh này có thể trở thành một thành viên tập thể của AIIB, bởi vì ngân hàng mở cửa cho "các thực thể kinh tế" chứ không chỉ các quốc gia tham gia. Đó là một từ được thiết kế để cho phép Đài Loan tham gia, nhưng có thể tạo ra kẽ hở mà EU có thể tận dụng. Điều đó sẽ đòi hỏi một số vốn từ ngân sách đối ngoại nhỏ bé của EU.
Hiện Liên minh này vẫn còn xem xét liệu các quốc gia thuộc EU gay gắt về chủ quyền quốc gia, như Anh có đồng ý cho EU tham gia vào Ngân hàng hay không. Trong khi đó, một nhà ngoại giao EU cho biết, Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã lặng lẽ tư vấn cho Bắc Kinh về các tiêu chuẩn quản trị và các kinh nghiệm tốt nhất trong việc thiết chế AIIB.
Lệ Chi (Theo Reuters)