Tại thời điểm hiện nay, có hơn 1,25 triệu tấn nước nhiễm xạ đang được lưu trữ trong các bể chứa tại nhà máy. Trong ảnh là công nhân tham gia việc dọn dẹp nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản sau thảm họa năm 2011. (Nguồn: AFP) |
Ngày 26/4, trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã xác nhận việc sẽ mời các chuyên gia nước này tham gia nhóm công tác về kế hoạch xả nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản ra biển.
Sau thảm họa năm 2011, nước được bơm vào các lò phản ứng đã bị hư hại tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 để làm mát các thanh nhiên liệu.
Cùng với nước mưa và nước ngầm bị nhiễm xạ, nước thải sau quá trình làm mát ở các lò phản ứng được xử lý bằng Hệ thống Xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS). ALPS giúp loại bỏ phần lớn các chất phóng xạ, trong đó có strontium và cesium, nhưng không thể loại bỏ tritium.
Tại thời điểm hiện nay, có hơn 1,25 triệu tấn nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn còn chứa phóng xạ đang được lưu trữ trong các bể chứa tại nhà máy.
Ngày 13/4/2021, tức hơn 10 năm sau sự cố tại nhà máy, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định xả nước thải này ra biển.
IAEA bày tỏ ủng hộ quyết định của Nhật Bản về việc xả nước thải đã qua xử lý ra biển, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình giám sát việc xả thải này.