TIN LIÊN QUAN | |
Công ty Trung Quốc thâu tóm Tập đoàn nhôm của Mỹ | |
Trung Quốc là 1 trong 25 nền kinh tế đổi mới nhất thế giới năm 2016 |
Đó là nhận định trong bài viết trên trang Forbes.com của Wade Shepard, tác giả của cuốn sách đình đám Ghost Cities of China, người đã chứng kiến những dấu ấn đầu tư của Trung Quốc trong hành trình đi từ châu Á sang châu Âu để thu thập tài liệu cho những tác phẩm hiện thực của mình.
Không chỉ số 1 về quy mô và số dự án
Theo Wade, các khoản đầu tư của Trung Quốc dọc theo Con đường tơ lụa mới (New Silk Road) không chỉ hiện diện ở những tuyến đường cao tốc, đường sắt xuyên lục địa, các khu công nghiệp, khu kinh tế đặc biệt, những thành phố mới ở nước ngoài nơi mà Trung Quốc luôn sẵn lòng mở “hầu bao”, mà còn ở việc thâu tóm các công ty nước ngoài.
Ngày càng nhiều công ty lớn ở Mỹ và châu Âu trở thành mục tiêu mua lại hấp dẫn của các doanh nghiệp Trung Quốc. (Nguồn: Enternews) |
Đầu tư của Trung Quốc cho các phi vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ra bên ngoài, đặc biệt là sang các nước phương Tây, đang gia tăng với tốc độ kỷ lục. Ngày càng nhiều công ty lớn ở Mỹ và châu Âu trở thành mục tiêu mua lại hấp dẫn của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo một báo cáo mới đây của nhóm Mergermarket, tính đến cuối tháng 8/2016, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đã vượt qua tất cả các mức kỷ lục được lập bởi chính nước này. Số liệu được ghi nhận tăng rõ rệt qua từng năm. Với 173 giao dịch với tổng trị giá lên tới 128,7 tỷ USD theo giá trị sổ sách, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã lần lượt “soán ngôi” của các công ty từ nhiều quốc gia khác về đầu tư ra nước ngoài. Nếu tốc độ, cũng như quy mô tiếp tục gia tăng như thế, chắc chắn kết thúc năm 2016, lần đầu tiên kể từ năm 2006, Trung Quốc sẽ soán ngôi vị số 1 của Mỹ về lượng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Chuyên viên Yiqing Wang thuộc Mergermarket (Trung Quốc) cho biết, trong mười năm qua, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc qua từng năm xét cả về quy mô vốn đầu tư cũng như số lượng dự án. Tuy nhiên, năm 2015 và 2016 đã chứng kiến sự gia tăng với một tốc độ mạnh mẽ hơn nhiều.
Chiến lược thay đổi mạnh về chất
Không chỉ gia tăng về số dự án, quy mô vốn đầu tư, các loại hình ngành nghề của doanh nghiệp nước ngoài được các công ty Trung Quốc quan tâm mua lại cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hơn, từ năng lượng và nguyên liệu đến nhiều lĩnh vực khác như công nghệ, sản xuất công nghiệp, hóa chất, tiêu dùng. Những lĩnh vực này, phản ánh quá trình chuyển đổi kinh tế rộng lớn đang diễn ra mạnh mẽ ở Trung Quốc. Đó là chuyển từ chiến lược sản xuất phục vụ xuất khẩu sang tập trung nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ cao và tiêu dùng nội địa.
Ngoài gia tăng về quy mô vốn, số lượng các công ty phương Tây bị doanh nghiệp Trung Quốc mua lại cũng tăng mạnh trong năm nay. Ví dụ Công ty ChemChina của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống của Thụy Sĩ Syngenta AG với giá 43 tỷ USD, trở thành thương vụ mua lại một công ty nước ngoài của Trung Quốc lớn nhất từ trước đến nay.
Hay công ty Tencent thâu tóm nhà phát triển game cho di động của Phần Lan Supercell với giá 8,6 tỷ USD. Và công ty Zhongwang International mua lại nhà sản xuất nhôm của Mỹ Aleris với giá 2,3 tỷ USD. Tập đoàn HNA mua Ingram Micro Inc với 6,3 tỷ USD. Tập đoàn Haier đã trả 5,4 tỷ USD mua lại bộ phận sản xuất thiết bị gia đình của General Electric. Thậm chí Sàn giao dịch chứng khoán Chicago Stock Exchange cũng không nằm ngoài sự “dòm ngó” của các nhà đầu tư Trung Quốc.
ChemChina mua lại nhà sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống của Thụy Sĩ Syngenta AG với giá 43 tỷ USD là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp Trung Quốc. (Technewstoday) |
Theo thống kê, năm 2016, nhà đầu tư Trung Quốc thích thâu tóm doanh nghiệp ở châu Âu nhất, với lượng vốn đầu tư cho các giao dịch thành công tính đến thời điểm này vào khoảng 76,5 tỷ USD. Đức là quốc gia châu Âu thu hút sự quan tâm nhất từ Trung Quốc, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có tới 24 công ty Đức bị doanh nghiệp Trung Quốc mua lại, so với 25 giao dịch M&A của Trung Quốc tại nước này trong cả năm 2015. Như vậy, trung bình cứ 1 tuần Trung Quốc lại thực hiện thành công một giao dịch M&A tại Đức.
Có ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc tăng tốc đầu tư ra nước ngoài là để cứu cánh cho kinh tế nội địa. Tuy nhiên, chuyên gia Yiqing Wang cho rằng, sự thật không đúng như vậy. Mục tiêu của những vụ mua bán đều đã có chọn lọc. Các nhà đầu tư Trung Quốc nhắm vào những công ty có tên tuổi (big-name) với mục đích thâu tóm những ngành nghề công nghệ cao, đẳng cấp thế giới, rồi chuyển về trong nước, bổ sung vào kỹ năng phát triển sản phẩm hiện tại của họ.
Xu thế này có vẻ đang củng cố cho sáng kiến “Made in China 2025", nhằm nâng cấp và tăng cường khả năng sản xuất trong nước, thúc đẩy sự đổi mới, và thiết lập quyền sở hữu đối với những công nghệ chủ chốt. Trên tinh thần đó, mặc dù chi phí của những phi vụ mua sắm này lên tới hàng trăm tỷ USD, nhưng lợi ích kinh tế về lâu dài cũng như triển vọng phát triển của những công ty, sản phẩm được mua lại được nhận định là những phi vụ hời.
“Cơn đói” doanh nghiệp nước ngoài của Trung Quốc cũng phù hợp với chính sách "Going Out" - một sáng kiến của Chính phủ nước này nhằm khuyến khích các công ty trong nước đầu tư ra nước ngoài, sử dụng dự trữ ngoại tệ…, cũng như tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị của nước này trên trường quốc tế.
“Khi mà tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, lợi thế về tiền lương của nước này nhanh chóng biến mất, trong khi sự ủng hộ về chính trị và tài chính đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài gia tăng, thị trường tiêu dùng trong nước bùng nổ, cùng với đó là mạng lưới cơ sở hạ tầng mới đang phát triển nhanh chóng trên khắp lục địa Âu-Á, đây chính là thời điểm phù hợp hơn bao giờ hết để các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài”, chuyên gia Wang nhận định.
Trung Quốc đối mặt với những rủi ro về nợ Để nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, Trung Quốc vấp phải một thách thức lớn từ vấn đề tín dụng không ... |
Trung Quốc quyết giữ kinh tế ổn định Tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao 2016, Thủ tướng Trung Quốc khuyến khích giới quan sát đánh giá nền kinh tế nước này "một ... |