Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án phát triển trên khắp châu Á. |
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển & tài chính xanh tại Trường Tài chính quốc tế Fanhai, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải (GFDC), chương trình tài trợ cơ sở hạ tầng sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Bắc Kinh bước sang thập kỷ thứ hai, trọng tâm đã chuyển sang Đông Á.
Chuyên gia Christine Tjhin, Giám đốc nghiên cứu chiến lược tại Viện Gentala ở Jakarta, cho biết: “Ảnh hưởng của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong khu vực vì tiền của họ đã ở đó”.
Phân tích của GFDC cho thấy, các quốc gia tham gia BRI ở Đông Á đã nhận được khoản đầu tư từ Trung Quốc tăng 151% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 76% cho các dự án xây dựng vào năm 2022, trong khi chi tiêu cho BRI giảm ở khu vực châu Phi cận Sahara và Tây Á.
Philippines dẫn đầu danh sách các dự án BRI vào năm 2022, với 3,3 tỷ USD, trong khi Indonesia đứng ở vị trí thứ ba.
Một công ty con của tập đoàn xây dựng China State Construction Engineering Corp (CSCEC) là một trong hai công ty nước ngoài cam kết làm việc tại thủ đô mới Nusantara của Indonesia ở Đông Kalimantan. Theo phân tích của GFDC, CSCEC chiếm 9,3% tổng số công trình xây dựng BRI trên toàn cầu.
Tập đoàn xây dựng Power Construction Corp (PowerChina) chiếm 22,3% công trình xây dựng BRI và tham gia một dự án thủy điện đã được lên kế hoạch ở Bắc Kalimantan.
Công ty Amperex Tech (CATL) của Trung Quốc, chịu trách nhiệm cho 29,1% tổng đầu tư BRI, cũng được cho là đã cam kết đầu tư vào khu công nghiệp mới của Indonesia ở Bắc Kalimantan.
Indonesia đã thu hút khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài kỷ lục 45,6 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó Singapore đóng góp 13,3 tỷ USD, tiếp theo là 8,2 tỷ USD của Trung Quốc và 5,5 tỷ USD từ Hong Kong (Trung Quốc).