Một sự kiện cộng đồng đổi đồ cũ lấy đồ mới ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào tháng 3/2024. (Nguồn: Getty Images). |
Đối mặt với những thách thức kinh tế, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã bắt tay vào một chiến lược quan trọng nhằm trẻ hóa nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy doanh số bán ô tô và thiết bị.
Chiến lược mới của Trung Quốc
Bloomberg tiết lộ, chính phủ nước này khởi xướng chương trình thu cũ đổi mới để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp nâng cấp lên các thiết bị sử dụng công nghệ sạch. Kế hoạch được nhiều người kỳ vọng sẽ là một trong những chương trình kích thích chính của năm nay, mặc dù vẫn còn dấu hỏi, bao gồm cả việc chính phủ sẽ chi bao nhiêu.
Bốn tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhắc đến đề xuất giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp nâng cấp máy móc cũ. Tại một cuộc họp đầu tháng này, quan chức trong nhiều bộ ngành đã công bố các chi tiết về kế hoạch thu cũ đổi mới và hứa hẹn sẽ cung cấp thêm thông tin trong thời gian tới.
Tin liên quan |
Doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu bị đột kích, Bắc Kinh nói 'rất sốc và không hài lòng' |
Kế hoạch được cho là sẽ góp phần giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Đồng thời, khích lệ người tiêu dùng mua sắm, giảm bớt lo ngại của phương Tây về tình trạng dư thừa công suất của các nhà máy Trung Quốc.
Các chính quyền địa phương sẽ phụ trách nhiều công việc thực tế trong kế hoạch. Đơn cử như TP. Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô đã công bố các khoản trợ cấp trị giá 100 triệu Nhân dân tệ cho ô tô và 20 triệu Nhân dân tệ cho thiết bị gia dụng bắt đầu từ ngày 20/4.
Mục tiêu của chương trình là nâng cấp các thiết bị gia đình và công nghiệp của Trung Quốc, loại bỏ máy móc cũ tiêu tốn nhiều năng lượng hoặc gây ô nhiễm. Đồng thời, Bắc Kinh còn muốn thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu và doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn.
Chương trình trải dài từ các ngành công nghiệp nặng như thép và hóa dầu cho đến lắp đặt thang máy mới trong các tòa nhà chung cư và khuyến khích người tiêu dùng loại bỏ máy giặt cũ, mua máy giặt mới tiết kiệm nước hơn.
Cơ quan hoạch định kinh tế cấp cao nhất của Trung Quốc cho biết, số tiền đầu tư nâng cấp thiết bị trong các ngành công nghiệp chủ chốt đạt 4.900 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 680 tỷ USD) trong năm 2023. Mục tiêu của Trung Quốc là nâng con số này lên thêm 25% vào năm 2027.
Chính phủ sẽ chi bao nhiêu?
Đến thời điểm hiện tại, chính phủ nói rõ sẽ cấp bao nhiêu tiền cho chương trình thu cũ đổi mới, nhưng các quan chức đã mô tả về một số công cụ tài trợ.
Về phía hộ gia đình, mặt hàng nhận được nhiều sự hỗ trợ nhất từ chính phủ trung ương là ô tô. Người mua xe điện mới hoặc các loại xe tiết kiệm năng lượng khác sẽ được chính phủ trợ cấp. Các chính quyền địa phương cũng sẽ san sẻ một phần chi phí.
Về phía các ngành công nghiệp, chính phủ sẽ cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, bao gồm đầu tư vào các thiết bị mới, cắt giảm thuế cho các nhà sản xuất phát thải ít hơn và cung cấp khoản vay ưu đãi để giúp doanh nghiệp nâng cấp máy móc.
Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Bắc Á và Trung Quốc tại Standard Chartered Ding Shuang cho rằng, phần lớn chi tiêu của chính phủ cho chương trình mới sẽ nằm trong kế hoạch ngân sách hiện tại.
Ông Ding Shuang nhận định: "Tác động của chương trình nhắm đến việc giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra. Theo tôi, chương trình này không tương ứng với kích thích tài khóa bổ sung”.
Còn về phía doanh nghiệp và người tiêu dùng, các ưu đãi của chính phủ sẽ thúc đẩy họ tăng cường chi tiêu đến mức nào?
Theo ông Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Economics, đây là câu hỏi khó có thể trả lời nếu không có thêm thông tin về kế hoạch này.
Hiện tại, ông ước tính, nhờ chương trình thu cũ đổi mới, phần chi tiêu tăng thêm của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ tương ứng 0,7 điểm % tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Các nhà kinh tế tại Citigroup cho rằng, chương trình có thể giúp doanh số bán lẻ tăng khoảng 0,5% trong năm nay. Trong khi đó, việc doanh nghiệp nâng cấp thiết bị có khả năng giúp thước đo đầu tư tổng quát nhất của Trung Quốc tăng 0,4 điểm % từ nay cho đến năm 2027.
Trong tháng 3/2024, nhóm chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs ước tính, kế hoạch thu cũ đổi mới sẽ giúp tốc độ tăng trưởng GDP đi lên 0,6 điểm %, hơn 2/3 trong số đó đến từ chi tiêu bổ sung của các hộ gia đình và chủ yếu là cho ô tô. Các con số này được đưa ra trước khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố chi tiết về kế hoạch.
Mỹ và EU tìm cách hạn chế xe điện Trung Quốc tiếp cận thị trường của họ. (Nguồn: Politico) |
Kế hoạch xóa tan ngờ vực của Mỹ và châu Âu?
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc tập trung vào các ngành công nghiệp tiên tiến. Sự thành công của ngành xe điện là biểu tượng cho các nỗ lực đó.
Nhưng hiện tại, Mỹ và châu Âu đang cáo buộc nước này bán hàng hóa giá rẻ ra thị trường toàn cầu.
Tháng 3/2024, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố xe điện của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh vấn đề “dư thừa công suất”, đồng thời, chỉ trích việc này đe dọa ngành công nghiệp xe điện và năng lượng mặt trời của Mỹ.
Trong khi đó, vào tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi xướng cuộc điều tra chống trợ cấp đối với việc nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc và nhiều khả năng thuế chống trợ cấp sẽ được áp dụng đối với các công ty ô tô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2024.
Giới chuyên gia cho rằng, chương trình thu cũ đổi mới có thể góp phần giải quyết những chỉ trích của phương Tây bằng cách khuyến khích người dân Trung Quốc mua sắm.
Ngoài ra, chương trình thu cũ đổi mới còn có khả năng giúp giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bằng việc thúc đẩy tiêu dùng. Cách Bắc Kinh phân bổ hỗ trợ giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp hiện chưa được tiết lộ sẽ cho thấy liệu họ có nhắm đến mục tiêu này hay không.
| Trừng phạt lớn 'đổ bộ' vào Iran, nguồn kiếm tiền chính giữ phong độ; nhận định khả năng leo thang xung đột với Israel Iran đang phải đối mặt với lạm phát cao, đồng tiền mất giá và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, ... |
| Kinh tế châu Âu: Đức có thể bừng tỉnh sau 'giấc ngủ đông', EU có khả năng 'lội ngược dòng' Sau 15 năm trải qua những cú sốc như cuộc khủng hoảng nợ, đại dịch Covid-19 và căng thẳng Nga-Ukraine, nền kinh tế châu Âu ... |
| Việt Nam trong ASEAN: Một đối tác năng động, tích cực, trách nhiệm Gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995 là cột mốc đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, tạo đà cho các ... |
| WB 'mách' Việt Nam cách nuôi dưỡng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Sáng 23/4, Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức buổi công bố báo cáo Điểm lại - cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ... |
| Doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Âu bị đột kích, Bắc Kinh nói 'rất sốc và không hài lòng' Ngày 23/4, lực lượng chức năng của Ủy ban châu Âu (EC) đã đột kích các văn phòng ở Hà Lan và Ba Lan của ... |