📞

Trung Quốc ưu tiên ổn định kinh tế

Minh Anh 19:50 | 26/03/2022
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 5,5%, ưu tiên sự ổn định thay vì tăng trưởng nhanh.

Trả lời báo chí sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13, Thủ tướng Lý Khắc Cường làm rõ chính sách của nền kinh tế thứ hai thế giới trong năm 2022, các vấn đề về tăng trưởng kinh tế, dịch bệnh Covid-19, cũng như quan hệ Mỹ - Trung..., trong đó, ổn định kinh tế được xác định là ưu tiên hàng đầu.

Chính phủ Trung Quốc khẳng định càng đối mặt khó khăn, càng phải tự tin và vững vàng hơn.

Tăng trưởng - cần nỗ lực gian khổ mới đạt được

Trong Báo cáo công tác chính phủ tại Đại hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định những thành tựu to lớn mà nước này mới đạt được trong năm 2021 - một năm mang ý nghĩa bước ngoặt - với việc giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo, xây dựng toàn diện xã hội khá giả, hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất và bước sang giai đoạn xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.

Năm 2022, với mục đích tăng trưởng GDP 5,5%, chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì mục tiêu tạo việc làm cho hơn 11 triệu người và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 3% như năm 2021, trong khi bội chi ngân sách hạ xuống khoảng 2,8%, so với 3,2% của năm 2021.

Các nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng, tốc độ tăng trưởng trên 5% theo mục tiêu chính phủ đề ra là “vùng an toàn” cho nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, hồi tháng Giêng, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống còn 4,8%, so với mức tăng 8,1% của năm 2021.

IMF nhận định, nền kinh tế thứ hai thế giới đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng đã chậm lại và vẫn thiếu cân bằng; dễ gặp rủi ro do tác động từ dịch bệnh đến chi tiêu tiêu dùng và sự lao dốc của thị trường bất động sản sau những nỗ lực kiểm soát nợ trong lĩnh vực này.

Không phủ nhận nhận định của IMF, ông Lý Khắc Cường cũng cho rằng, “đây là tốc độ tăng trưởng trung bình cao trên cơ số cao, cần nỗ lực gian khổ mới có thể đạt được”. Và việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế chủ yếu xem xét đến nhu cầu ổn định việc làm, đảm bảo dân sinh và phòng ngừa rủi ro.

Thủ tướng lý giải, mục tiêu 5,5% có vẻ như tốc độ đã chậm lại. Nhưng giống như “leo lên những ngọn núi cao”, với GDP năm 2021 của nước này là 114.370 tỷ NDT (khoảng 17.993 tỷ USD), đạt con số trên thực sự không đơn giản. Nếu bạn muốn leo một ngọn núi 1.000m, leo 10% thì 100m là đủ; nhưng với ngọn núi cao 3.000m, muốn leo 5% thì phải là 150m. Và càng lên cao, áp suất không khí càng giảm và lượng oxy càng ít.

Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc đồng thời cho rằng, các biện pháp chính sách áp dụng trong năm nay không chỉ đối phó với vấn đề ngắn hạn mà sẽ giải quyết nhiều vấn đề trung và dài hạn, như biến đổi khí hậu, chênh lệch thu nhập và nợ, giải quyết mọi vấn đề thông qua phát triển.

Kiên trì mở rộng cửa

Dịch bệnh Covid-19 hiện là một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc, với chính sách “Zero-Covid”, trước mắt sẽ báo hiệu những vấn đề lớn ảnh hưởng đến liên kết thương mại và du lịch với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, như nhập khẩu hàng hóa khắt khe và đóng cửa biên giới.

Tuy nhiên, với câu hỏi của giới truyền thông, Bắc Kinh có lộ trình mở cửa với thế giới hay không, Thủ tướng Lý Khắc Cường trả lời rằng, virus SARS-CoV-2 đã đột biến và một số quy luật vẫn cần được nghiên cứu sâu. Việc nghiên cứu phát triển thuốc, vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả cũng cần được tăng cường. Cộng đồng quốc tế cần hợp tác nhiều hơn.

Giải pháp của Trung Quốc là mở “làn đường nhanh” và “làn đường xanh” để đảm bảo sản xuất và hoạt động bình thường cho các doanh nghiệp, cũng như dự án trong các liên kết trọng điểm, đồng thời sẽ tiếp tục tích lũy kinh nghiệm, ứng phó kịp thời với những thay đổi có thể xảy ra và từng bước cải thiện vấn đề logistic và lưu thông con người, hàng hóa.

Ông Lý Khắc Cường chỉ ra rằng, nền kinh tế Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng vào thế giới và nước này cũng đang trong quá trình chuyển dịch từ cấp trung bình thấp lên cấp trung, cấp cao trong chuỗi ngành nghề. Tiềm năng thị trường là rất lớn và có rất nhiều dư địa cho các loại hình đầu tư khác nhau.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh: “Hiện các doanh nhân quốc tế đến Trung Quốc để phát triển bản thân, đồng thời mang đến các kênh đầu tư và bán hàng, cung cấp những hàng hóa mà Trung Quốc cần, có lợi cho cả hai bên và không có lý do gì để hạn chế điều đó; cũng như việc chống độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh mà Trung Quốc đang làm là để duy trì sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp”.

Theo đó, các dòng vốn nước ngoài sẽ không cần lo lắng khi Trung Quốc thực hiện mục tiêu kinh tế riêng, bởi quốc gia này theo đuổi mục tiêu “thịnh vượng chung”, có nghĩa là cùng hợp tác.

Ông Lý Khắc Cường cho biết, “chính sách mở cửa với thế giới bên ngoài sẽ không thay đổi, đồng thời Luật Đầu tư nước ngoài đã có những quy định rõ ràng về định hướng phát triển. Nếu muốn thay đổi thì luật này chỉ phát triển theo hướng có lợi cho việc mở rộng mở cửa và đầu tư, thương mại”.

Qua đây, Thủ tướng Trung Quốc cũng thông báo, năm 2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được triển khai, Bắc Kinh sẽ nhân cơ hội này để đưa nền kinh tế trở thành một “điểm nóng” trên toàn cầu cho đầu tư nước ngoài.

Về một vấn đề được chú ý khác - mối quan hệ với nền kinh tế số một thế giới, Thủ tướng Trung Quốc khẳng định kiên trì mở rộng cửa - “Dù tình hình quốc tế thay đổi như thế nào, Trung Quốc sẽ kiên quyết mở rộng cửa”. Ông nhấn mạnh, “sau khi cánh cửa được mở ra, nó không nên đóng lại", khi nhắc lại mối quan hệ Mỹ - Trung sau chuyến thăm “phá băng quan hệ” và bắt đầu hành trình bình thường hóa quan hệ cách đây 50 năm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon.

Ông Lý Khắc Cường cho hay, kim ngạch thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã vượt 750 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ lĩnh vực hợp tác song phương rất rộng và có nhiều tiềm năng. Nếu Mỹ nới lỏng hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc, kim ngạch thương mại song phương sẽ còn cao hơn, cả hai nước và người dân đều được hưởng lợi từ điều này. Phía Trung Quốc sẵn sàng làm việc với phía Mỹ để tìm kiếm lợi ích lâu dài.

Cuối cùng, khi đề cập các thách thức trong thực hiện các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Trung Quốc nói: “Một phân tích toàn diện về các động lực phát triển trong và ngoài nước chỉ ra rằng, năm nay đất nước chúng ta sẽ đối mặt nhiều rủi ro và thách thức hơn và chúng ta phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua chúng. Càng đối mặt khó khăn, chúng ta càng phải tự tin hơn và bước những bước chắc chắn để đạt được kết quả”.