📞

Trung Quốc vượt Mỹ?

23:12 | 25/10/2014
Phải chăng danh hiệu nền kinh tế lớn số 1 thế giới của nước Mỹ đang chuyển dần sang Trung Quốc?
Ảnh minh họa.

Theo tính toán mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vào cuối năm nay, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chiếm 16,48% GDP toàn cầu tính theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP) (với quy mô 17.632 nghìn tỷ USD), còn Mỹ sẽ chỉ chiếm 16,28% GDP toàn cầu (với quy mô 17.416 nghìn tỷ USD). Theo IMF, Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ hai con số suốt ba thập kỷ qua, do cải tổ kinh tế và công nghiệp hóa. Tốc độ này đã chậm lại những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức cao theo tiêu chuẩn châu Âu, với ước tính năm 2014 tăng trưởng 7,4%.

PPP chưa thuyết phục

Ngay sau khi số liệu trên được công bố, một số tờ báo quốc tế lớn nhận xét, con số trên cho thấy, tuy mức lương trung bình của người Trung Quốc thấp hơn của người Mỹ, sức mua của người Trung Quốc vẫn mạnh hơn vì giá cả các mặt hàng và dịch vụ tại đây rẻ hơn nhiều so với ở Mỹ. Điều này được cho là bằng chứng cho tính ưu việt của mô hình chủ nghĩa tư bản Trung Quốc và sự kết thúc của ưu thế kinh tế Mỹ.

Phân tích về phương pháp PPP, nhà kinh tế học Frederic Neumann của Ngân hàng HSBC hồi tháng 5 trong một bài viết khẳng định: “PPP hữu ích trong việc so sánh mức sống giữa các nền kinh tế (cho dù cách này cũng có những hạn chế), chứ không phải quy mô tương đối của các nền kinh tế đó”.

Theo Neumann, PPP không đem đến một thước đo thực sự về sức mua của một quốc gia đối với các thị trường toàn cầu (hàng hóa nhập khẩu tính bằng USD), hoặc tiềm năng đóng góp của nó cho một công ty đa quốc gia nào đó. Ông chỉ ra rằng, cũng giả định này tạo ra những điều nghe có vẻ hấp dẫn nhưng lại không chính xác khác, chẳng hạn, Nhật Bản nếu so sánh theo PPP sẽ có quy mô kinh tế nhỏ hơn cả Ấn Độ. Tương tự, kinh tế Indonesia sẽ lớn hơn cả Italy trong khi Sri Lanka đã qua mặt New Zealand.

Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là sự khác biệt hiện tại về tốc độ tăng trưởng thực sự sẽ giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ về mặt kinh tế một ngày nào đó, nhưng không phải trong thời gian trước mắt. Trong phân tích của mình, Neumann đưa ra nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế giả định khác nhau (sử dụng tỷ giá hối đoái hiện tại) để dự báo khi nào Trung Quốc sẽ giành ngôi đầu. Kết quả là, việc này có khả năng diễn ra vào năm 2024, với điều kiện Trung Quốc vẫn tăng trưởng ở tốc độ 7%/năm còn Mỹ chỉ đạt 3%. Còn nếu tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ là 6% còn Mỹ là 3% thì thời điểm đó sẽ phải là 2034.

Mỹ vẫn là số 1

Đáp lại các thông tin trên, một số tờ báo lại cho rằng, nước Mỹ không nên quá lo lắng và Trung Quốc cũng chớ vội mừng. Tờ IBT khẳng định, để đánh giá tổng sản phẩm quốc nội một cách toàn diện nhất thì con số thực về GDP vẫn là con số hiệu quả. Và tính theo phương pháp này thì Mỹ vẫn tạo ra khoảng cách ổn định với Trung Quốc. Cụ thể, về quy mô nền kinh tế, Mỹ vẫn bỏ xa Trung Quốc khoảng 6.500 nghìn tỷ USD, chưa kể đối với những mặt hàng nhập khẩu thì sức mua của người Trung Quốc phải mất tám năm nữa mới có thể theo kịp Mỹ.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), không tính theo PPP, GDP của Trung Quốc vẫn còn nhỏ hơn Mỹ khá nhiều. GDP Trung Quốc năm ngoái là 9.240 tỷ USD, trong khi của Mỹ là 16.800 tỷ USD, trước khi điều chỉnh theo lạm phát. GDP bình quân đầu người của Mỹ năm 2013 cao gấp năm lần của Trung Quốc. Hơn nữa, giấc mơ tiếm ngôi nền kinh tế số 1 thế giới của Trung Quốc vẫn đang gặp trở ngại. Bởi theo Reuters, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc bị chững lại ở mức thấp nhất trong vòng sáu năm trở lại đây. Còn theo Bloomberg, việc dựa vào một chỉ số để đánh giá cả một nền kinh tế là chưa thỏa đáng.

Ông David Hensley, Giám đốc bộ phận Hợp tác kinh tế toàn cầu tại JPMorgan Chase khẳng định, Mỹ vẫn là nền kinh tế số 1 thế giới, theo cách tính thông dụng, được công nhận và hữu ích nhất. PPP không phải là con số thực. Theo Hensley, nếu nhìn vào PPP, đặc biệt với các nước đang phát triển, "anh đã thực sự phóng đại tầm quan trọng của các nền kinh tế này. Do nó bỏ qua quyền lực của các nước với tài nguyên thế giới và ảnh hưởng của họ lên hoạt động kinh tế toàn cầu". Và về tính cạnh tranh (thể chế chính trị, công nghệ, đột phá và sự phát triển ngành tài chính), Trung Quốc dù đã tiến xa suốt ba thập kỷ qua, thì vẫn còn kém Mỹ rất nhiều.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đến nay cũng tỏ ra không mấy hào hứng với danh hiệu này. Theo CNN, Trung Quốc hiểu rõ những nghĩa vụ đi kèm, chẳng hạn, như đóng góp nhiều hơn cho viện trợ quốc tế và ngân sách Liên hợp quốc, hay khó lấy cớ là một nước đang phát triển để tránh chi phí giảm khí thải nhà kính.

Thu Thủy