Một số nhà phân tích cho rằng quy mô của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khó có thể tăng trở lại bằng mức trước đại dịch vào cuối năm 2021 như dự báo của chính phủ, sau khi các số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố hôm 16/8 cho thấy trong quý II/2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) thực hiện với sự tham gia của 36 tổ chức tư vấn tư nhân trong thời gian từ ngày 30/7 đến 6/8 cho thấy trong quý III/2021, GDP thực tế của Nhật Bản được dự báo sẽ tăng 2,55% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm mạnh so với con số dự báo 4,9% được đưa ra một tháng trước đó.
Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản đã suy giảm đáng kể do tình trạng khẩn cấp kéo dài. (Nguồn: Bloomberg) |
Kéo lùi tăng trưởng kinh tế
Việc các tổ chức tư vấn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản xuất phát từ lo ngại về tác động của việc Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ tư ở thủ đô Tokyo vào giữa tháng Bảy, và sau đó, mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra 4 tỉnh khác vào đầu tháng này.
Ở các khu vực áp dụng tình trạng khẩn cấp, các nhà hàng và quán bar được yêu cầu ngừng phục vụ đồ uống có cồn và đóng cửa sớm, trong khi người dân được yêu cầu hạn chế đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết.
Tình trạng khẩn cấp lần thứ tư, có hiệu lực trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo 2020, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 31/8. Tuy nhiên ngày 17/8, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng biện pháp này tới ngày 12/9, đồng thời đưa thêm 7 tỉnh khác vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp.
Ông Keiji Kanda, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Daiwa, nhận định: "Tình trạng khẩn cấp có thể sẽ bị kéo dài đến khoảng tháng Mười. Điều đó có nghĩa là hầu hết thời gian của quý III/2021 được đặt trong tình trạng khẩn cấp, do vậy, tăng trưởng kinh tế trong quý này sẽ rất thấp".
Theo ông Kanda, nỗ lực giảm số ca nhiễm Covid-19 mới bằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp nhiều lần của Tokyo đang ngày càng trở nên "khó khăn hơn" vì người dân ngày càng không sẵn lòng tuân thủ biện pháp này.
Tình trạng này có thể tiếp tục diễn ra đến cuối tháng Mười, khi khoảng 80% dân số Nhật Bản dự kiến sẽ được tiêm phòng đầy đủ.
Trước đó, khi Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai và thứ ba vào đầu năm nay, số người đến các cửa hàng và cơ sở giải trí đã giảm mạnh so với thời kỳ trước khi áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Daiwa, trong tình trạng khẩn cấp lần thứ tư, lưu lượng người đi lại chỉ giảm nhẹ ở Tokyo và gần như không đổi trên toàn quốc.
Viện Nghiên cứu Daiwa dự đoán tình trạng khẩn cấp thứ tư và các biện pháp phòng dịch trọng điểm đang áp dụng ở 16 tỉnh sẽ làm GDP của Nhật Bản giảm khoảng 520 tỷ Yen (4,7 tỷ USD) trong thời gian từ ngày 12/7 đến ngày 31/8, thấp hơn thiệt hại do tình trạng khẩn cấp thứ hai và thứ ba gây ra.
Chuyên gia Kanda dự báo: "Tác động bất lợi về kinh tế dự kiến sẽ nhỏ hơn do hiệu quả của việc ban bố tình trạng khẩn cấp ngày càng giảm. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ vẫn ở mức khá thấp chừng nào tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực".
Chìa khóa vẫn là tiêm chủng
Theo chuyên gia Kanda, lựa chọn thực tế duy nhất của chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 hiện nay là đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.
Mặc dù Nhật Bản tụt hậu so với các nền kinh tế phát triển khác trong việc triển khai chương trình tiêm chủng nhưng theo dự án Our World in Data của Đại học Oxford (Anh), tỷ lệ người được tiêm vaccine ở nước này đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, đạt 36,70% vào ngày 12/8, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 23,26%.
Với lý do những tiến độ trong chương trình tiêm chủng sẽ thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, vào đầu tháng 7, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã đưa ra dự báo GDP của nước này sẽ trở lại mức trước đại dịch trong năm 2021, nhờ sự gia tăng của kim ngạch xuất khẩu và đầu tư của các doanh nghiệp.
GDP thực tế của Nhật Bản là 538.670 tỷ Yen trong quý II/2021, vẫn thấp hơn khá nhiều so với con số 547.000 tỷ Yen của quý IV/2019.
Một quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết dự báo trên sẽ được duy trì ngay cả khi các nhà phân tích có quan điểm tương đối bi quan về tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong các quý tới.
Quan chức này nói: "Những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng sẽ kích thích tiêu dùng và cho phép chúng tôi nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động kinh tế, do vậy Nhật Bản vẫn có thể đạt được sự phục hồi kinh tế về mức trước đại dịch vào cuối năm nay".
Tuy nhiên, ông Taro Saito, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu NLI, cho rằng đà phục hồi của nền kinh tế rất có thể sẽ bị trì hoãn cho đến năm sau bởi vì theo chuyên gia này, trong quý III/2021, GDP của Nhật Bản sẽ chỉ tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với con số dự báo 5% mà chuyên gia này đã đưa ra trước đó.
Ông Saito nhận định: "Cũng giống như quý II/2021, xu hướng tăng chi tiêu vốn và xuất khẩu bù đắp cho sự suy giảm tiêu dùng do dịch Covid-19 gây ra sẽ không thay đổi".
Chuyên gia Saito cũng chỉ ra rằng, ngoài chi tiêu của người tiêu dùng, các thành phần khác cấu thành GDP ít bị ảnh hưởng hơn bởi các biện pháp phòng dịch Covid-19, trong đó chi tiêu vốn sẽ tiếp tục tăng trong suốt tài khóa 2021 và 2022.
"Nhờ vào kết quả hoạt động mạnh mẽ của các nhà sản xuất, nhiều công ty sẽ đầu tư vào máy móc công nghiệp cũng như số hóa", ông Saito dự báo.