Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Nguồn: VNE) |
Hội nhập kinh tế quốc tế là bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới và là một trong những chủ trương lớn của Đảng. Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới. Thực tế này đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước song cũng đặt ra thách thức về những tranh chấp trong quá trình giao thương với doanh nghiệp nước ngoài. Xin ông cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp phải vấn đề tranh chấp pháp lý thế nào?
Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều “sân chơi” rộng lớn hơn và phải tiếp cận với các luật chơi khác nhau, do đó, nguy cơ tranh chấp cũng lớn hơn, phức tạp hơn.
Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là khi xảy ra tranh chấp, họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và đối phó. Doanh nghiệp chưa quen với văn hoá kinh doanh của từng nước, lạ lẫm với hệ thống các cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng những hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hoà giải thương mại. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn không thường xuyên sử dụng luật sư.
Các tranh chấp mà doanh nghiệp thường phải đối mặt đến từ các điều khoản hợp đồng, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, trong đó có thể là những "gài cắm" đầy tính toán từ đối tác mà doanh nghiệp Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm. Hay đối tác soạn hợp đồng thế nào, doanh nghiệp thường ký như vậy.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Việt Nam chưa thông thạo thông lệ quốc tế, tập quán làm ăn tại nhiều quốc gia. Điều này cũng khiến doanh nghiệp dễ sa chân vào tranh chấp.
Ngoài ra, tranh chấp từ các hàng rào kỹ thuật ngày càng phổ biến hơn như các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp… để bảo hộ thị trường. Cũng không loại trừ những trường hợp một số doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chụp giật, chỉ tính khoản lợi trước mắt mà sẵn sàng vi phạm hợp đồng.
Chính phủ đã có một số Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đơn cử như Nghị định 55/2019/NĐ-CP. Nghị định này đã tác động thế nào đến doanh nghiệp, thưa ông?
Nghị định 55/2019/NĐ-CP về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được Chính phủ ban hành ngày 24/6/2019, có hiệu lực từ ngày 16/8/2019.
Nghị định 55 tập trung vào nội dung chính là xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu chung về pháp luật. Các cơ sở dữ liệu này không chỉ bao gồm văn bản quy phạm pháp luật mà còn có các vụ việc vướng mắc pháp lý thực tế từ phía doanh nghiệp.
Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là khi xảy ra tranh chấp, họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và đối phó. Doanh nghiệp chưa quen với văn hoá kinh doanh của từng nước, lạ lẫm với hệ thống các cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp. |
Theo đánh giá của tôi, đây là một chương trình quan trọng của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực pháp lý, giảm thiểu các thiệt hại do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về kiến thức pháp lý đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chương trình này qua các khoá đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng pháp luật, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến… phần nào đã có những tác động tích cực tới các doanh nghiệp.
Theo ông, giải pháp giúp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả hơn?
Để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả và bền vững, tôi cho rằng, cần phải hình thành một thị trường dịch vụ pháp lý vận hành hiệu quả. Ở đó, có các luật sư tốt, đẳng cấp thế giới, nhiều kinh nghiệm quốc tế để đồng hành với doanh nghiệp trong các giao dịch làm ăn lớn ở quy mô quốc tế. Ở đó, phải có sẵn các luật sư, chuyên gia pháp luật chuyên sâu trong từng ngành, từng lĩnh vực để có thể tư vấn tốt cho doanh nghiệp.
Dịch vụ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trẻ cũng luôn cần có sẵn. Đó có thể là những văn phòng luật sư chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ. Nhưng Nhà nước cũng có thể thành lập hoặc đứng ra vận hành các trung tâm dịch vụ tư vấn, với những luật sư công do Nhà nước trả lương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp hay các doanh nghiệp địa bàn khó khăn, lĩnh vực nông nghiệp... Đây là mô hình đã thực hiện thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Muốn có thị trường dịch vụ pháp lý như vậy, cần có vai trò của Nhà nước trong đào tạo nhân lực, xây dựng và thúc đẩy hoạt động hiệp hội nghề nghiệp, tạo ra các cơ chế khuyến khích để thị trường phát triển.
Các doanh nghiệp cần đến dịch vụ pháp lý tin cậy, tiện dụng, thân thiện và với chi phí hợp lý. (Nguồn: Pinterest) |
Về phía doanh nghiệp, họ mong muốn nhận được sự hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
Từ phía các doanh nghiệp, điều quan trọng cần có đó thói quen, sự chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý. Các giao dịch, các cam kết nhất là với đối tác quốc tế luôn cần tìm đến các chuyên gia pháp lý, luật sư.
Lúc làm ăn thuận lợi phải tính khi rủi ro. Sự an toàn, tin cậy luôn cần phải trả bằng chi phí. Đây là điều tưởng như hiển nhiên, đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng thực hiện được bởi nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen trả phí cho các dịch vụ tư vấn.
Từ phía người dùng, tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần đến dịch vụ pháp lý tin cậy, tiện dụng, thân thiện và với chi phí hợp lý. Họ cũng cần những cơ quan liên quan, uy tín sẵn sàng tư vấn giới thiệu về các dịch vụ pháp lý và luật sư tốt.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để hạn chế những tranh chấp trong quá trình giao thương với doanh nghiệp nước ngoài?
Các trải nghiệm trực tiếp sẽ giúp doanh nghiệp học hỏi tốt nhất, nhớ lâu nhất. Nhưng trong lĩnh vực này, doanh nghiệp không nên và không cần phải trả chi phí vô ích như vậy.
Theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp cần tăng cường học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước sang người đi sau, của những doanh nghiệp lớn sang doanh nghiệp bé. Họ cần tham gia những khoá đào tạo cho doanh nghiệp về những rủi ro thường gặp, những cảnh báo khi làm ăn với từng thị trường, những thông lệ tốt khi giao kết hợp đồng trong từng ngành hàng…
Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng, các hiệp hội ngành hàng mạnh thường là kênh hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên của mình hiệu quả nhất để hạn chế các rủi ro khi tranh chấp.
Xin cảm ơn ông!