Triển vọng tăng trưởng kinh tế lạc quan của Việt Nam đang đi ngược với xu hướng suy thoái ở những quốc gia khác tại châu Á. (Nguồn: Spiderum) |
Việt Nam đang đi ngược thế giới
Đầu tháng 9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của 3 tháng trước đó. Quỹ này sử dụng nhiều cụm từ ấn tượng như “tăng trưởng nhanh chóng, mạnh mẽ, tự cường” hay “vượt bậc ngoài dự báo”... khi đánh giá về sự phục hồi kinh tế.
IMF cho hay, triển vọng tăng trưởng kinh tế lạc quan của quốc gia Đông Nam Á đang đi ngược với xu hướng suy thoái ở những quốc gia khác tại châu Á. Lạm phát cũng ở mức tương đối thấp và đây cũng là một ngoại lệ đối với xu hướng chung trong khu vực.
"Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự kiến" là thông tin trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 như dự báo hồi tháng 4.
Với mức dự báo tăng trưởng như vậy, theo ADB, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023.
ADB cũng cho rằng, Việt Nam nhận được mức dự báo này là do tăng trưởng của đất nước được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công.
Giám đốc quốc gia ADB Andrew Jeffries nhận định: "Chính phủ đã thực hiện khá tốt công việc quản lý tỷ giá hối đoái, quản lý tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ thời gian qua. Việt Nam đã ra giới hạn tăng trưởng tín dụng như một công cụ quan trọng để quản lý nền kinh tế và quản lý lạm phát.
Ngoài ra, nợ công vẫn tương đối ổn định, hiện là 43% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với các nước khác, đây là mức nợ công rất lý tưởng".
Hay mới đây nhất, trong báo cáo cập nhật tháng 10 công bố ngày 27/9, Việt Nam là một trong số hai nước được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng khả quan nhất trong năm 2022.
Cụ thể, WB dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2022 và 6,7% vào năm 2023.
Bài viết “Towering above the rest” (Đỉnh cao so với phần còn lại) trên trang Bangkok Post. (Ảnh chụp màn hình) |
Kỳ quan kinh tế nổi bật
Không chỉ các tổ chức quốc tế, truyền thông nước ngoài cũng đăng tải nhiều bài viết ca ngợi kinh tế Việt Nam.
Ngày 26/9, trang Financial Times (Anh) gọi Việt Nam là một trong 7 “kỳ quan kinh tế nổi bật” trong bối cảnh đầy bi quan hiện nay của nền kinh tế thế giới.
Theo tờ báo, trong thời kỳ kinh tế ảm đạm như hiện nay, khi các chuyên gia bình luận không dự báo được điều gì ngoài sự suy thoái và lạm phát ở hầu hết các nước, thì vẫn có một số nền kinh tế đầy khả quan, trái ngược với bức tranh bi quan bao trùm. Những nền kinh tế nổi bật phải kể đến Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Saudi Arabia và Nhật Bản.
Trang này cho rằng, Việt Nam là cái tên ít ngạc nhiên nhất. Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc, các doanh nghiệp phương Tây đang phòng ngừa rủi ro bằng cách áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1” và điểm đến tìm nguồn cung ứng “+1” là Việt Nam.
Nhờ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất xuất khẩu và mở cửa nền kinh tế, quốc gia Đông Nam Á đang tăng trưởng gần 7%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Ngày 21/9, tờ TechCrunch của Mỹ đưa tin: Apple đang chuẩn bị đưa Việt Nam và Ấn Độ trở thành những trung tâm sản xuất quan trọng trên toàn cầu.
Bài viết dẫn báo cáo gần đây của JP Morgan dự báo, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025.
Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Takeo Nakajima cũng nhận định: "Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng được nâng cao.
Kể cả khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn và nhiều nhà máy phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid 19, nước này vẫn làm tốt và ngày càng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Ngày càng nhiều các sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao được sản xuất tại Việt Nam".
Trước đó, ngày 19/9, tờ Bangkok Post (Thái Lan) đăng tải bài viết có tựa đề "Đỉnh cao so với phần còn lại". Trong đó nêu rõ, trước bối cảnh toàn cầu lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng, Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng kinh tế hiếm hoi với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định và là "miền đất hứa" cho các nhà đầu tư.
Viện dẫn dữ liệu của công ty đầu tư One Asset Management (ONEAM), Bangkok Post cho biết, có 4 yếu tố chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thu hút các nhà đầu tư, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư.
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ bất chấp đại dịch. Gần đây nhất, GDP quý II/2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 5% của quý trước.
Sự phục hồi trong tiêu dùng và khu vực dịch vụ sau khi mở cửa trở lại đã góp phần vào tốc độ tăng trưởng đó. Các nhà phân tích của ONEAM tin tưởng, tăng trưởng GDP trong năm 2022 có thể đạt từ 6,1-6,5%.
Thứ hai, dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tăng đã góp phần thúc đẩy dự trữ ngoại hối.
Thứ ba, các chính sách cải cách đất đai, chẳng hạn như thẩm định giá đất theo giá thị trường và giới hạn diện tích nông-công nghiệp không quá 20 ha cho mỗi nhà máy, đã phát huy hiệu quả.
Các chính sách này được coi là sự đảm bảo rằng đất đai mang lại lợi ích cho đại đa số dân cư mà không phải của những người giàu có.
Thứ tư, sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam đã sửa đổi các quy định giao dịch chứng khoán bằng cách giảm thời gian thanh toán từ 2 ngày xuống còn 1,5 ngày, qua đó tạo điều kiện cho việc tung ra các sản phẩm chất lượng hơn trong tương lai.