TIN LIÊN QUAN | |
Đàm phán TTIP vẫn còn nhiều trắc trở | |
Mỹ, EU khởi động vòng đàm phán TTIP 14 |
Ngày 15/7, vòng đàm phán thứ 14 về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã kết thúc với một số tiến triển. Song, những vấn đề còn tồn tại cũng không vì thế mà ít đi.
Thêm đàm phán, thêm thách thức
Thông báo kết quả cuộc đàm phán tại trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels, Trưởng đoàn đàm phán EU Ignacio Garcia Bercero cho biết, EU đã đưa ra số lượng kỷ lục 10 đề xuất mới bằng văn bản với nội dung chính là phác thảo của các thỏa thuận tương lai về TTIP. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong hầu hết các lĩnh vực. Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Dan Mullaney cũng cho biết, Mỹ tiếp tục nhận được nhiều đề xuất mới của EU nhưng không có quyết định nào được đưa ra.
Khẩu hiệu “Nói không với TTIP” thể hiện rõ những căng thẳng tích tụ trong dân chúng. (Nguồn: Globalriskinsights). |
Trong khi Trưởng đoàn đàm phán hai bên vẫn thông báo về mục tiêu hoàn tất đàm phán thỏa thuận vào cuối năm 2016, hàng loạt các vấn đề mới nảy sinh cho thấy con đường tới đích của TTIP dường như vẫn tiếp tục dài ra. TTIP bao gồm ba vấn đề lớn là tiếp cận thị trường đối với doanh nghiệp Âu và Mỹ, hợp tác về vấn đề luật pháp và những quy định về thương mại, đặc biệt về phát triển bền vững và chính sách cạnh tranh. Ông Garcia Bercero cho biết, TTIP gồm 30 chương trong đó phần lớn vẫn đang trong giai đoạn hợp nhất và hai bên sẽ củng cố văn bản này sau các vòng đàm phán.
Trong khi đó, Trưởng đoàn Mỹ khẳng định, quyết định rời EU của Anh đặt ra thêm nhiều vấn đề mới cho việc đàm phán, bởi Anh chiếm tới 25% lượng xuất khẩu của Mỹ vào EU.
TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại, đầu tư lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm. Và tất nhiên, khi TTIP được ký kết, quan hệ đồng minh Mỹ - Âu sẽ càng thêm gắn bó. Về địa kinh tế và địa chính trị, sẽ không quá khi nói rằng, TTIP như một cách để Mỹ và phương Tây lập một liên minh vững chắc hơn.
Tương lai “màu hồng” không khỏi khiến các quan chức của cả Mỹ và EU nóng lòng vươn thẳng tới đích và khẳng định Brexit sẽ không làm chậm tiến trình đàm phán. Trước hàng loạt các vấn đề phải ưu tiên như khủng bố, di cư… TTIP vẫn giữ được vị trí ưu tiên hàng đầu. Nếu EU tuyên bố tiếp tục nỗ lực nhằm đạt được hiệp ước bất chấp "tình trạng chưa từng có tiền lệ - Brexit", theo thông báo từ Nhà Trắng, Mỹ đang làm rõ mức độ ảnh hưởng của Brexit đối với các cuộc đàm phán TTIP. Thậm chí, họ đã tính đến việc phải xúc tiến đàm phán riêng rẽ với Anh và cho đây là một xuất phát điểm thuận lợi vì đã có những kết quả nhất định sau nhiều năm đàm phán.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Brexit có thể không làm thay đổi mục tiêu đàm phán TTIP, nhưng có tác động tiêu cực tới triển vọng của TTIP.
Hoài nghi lấn lướt
Đàm phán về TTIP được khởi động từ tháng 7/2013, trải qua 14 vòng đàm phán, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào. Không ít chủ đề gây tranh cãi lớn như việc EU yêu cầu được tiếp cận thị trường mua sắm công của Mỹ, lĩnh vực gần như chỉ có các doanh nghiệp Mỹ mới có khả năng dự thầu; EU phản đối các điều khoản liên quan tới việc bảo vệ các nhà đầu tư mà phía Mỹ đưa ra, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước - nhà đầu tư, đăt lợi ích của các tập đoàn lên trên lợi ích của các Chính phủ và người tiêu dùng; Dư luận tại châu Âu cũng lo ngại phải cho đi nhiều nhưng đổi lại chẳng nhận được bao nhiêu, cơ chế mới sẽ thách thức các luật, tiêu chuẩn cũ, đặc biệt về sản phẩm nông nghiệp (sản phẩm biến đổi gen…), sinh thái và môi trường…
Người lao động lo ngại thỏa thuận này có thể khiến họ mất việc làm, ảnh hưởng đến mức sống hiện tại. Vì vậy, "lực lượng" ủng hộ TTIP, đặc biệt là ở Đức đang có dấu hiệu sụt giảm. Theo Quỹ Bertelsmann, đến tháng 5/2016, chỉ còn 17% người Đức tin rằng TTIP là một tín hiệu tốt, giảm tới 55% so với hai năm trước. Tương tự, tại Mỹ, số người ủng hộ thỏa thuận, đã giảm đáng kể còn 18%, so với 53% trong năm 2014. Gần một nửa số người ở Mỹ được hỏi không có thông tin đầy đủ về các thỏa thuận để góp ý kiến.
Trong bối cảnh đó, những thông tin rò rỉ trong tài liệu mật do Tổ chức Hòa Bình Xanh công bố hồi tháng Năm cho thấy, Mỹ hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa hoàn toàn thị trường của mình cho người châu Âu, trong khi vẫn lên tiếng kêu gọi châu Âu gỡ bỏ mọi rào cản đối với Mỹ trong việc tiếp cận thị trường này.
TTIP còn tiếp tục vấp phải những hoài nghi, ngay cả trong nội bộ các chính phủ châu Âu. Thủ tướng Pháp Manuel Valls mới đây bày tỏ quan điểm cho rằng, TTIP đi ngược với các lợi ích của EU. Ông Valls nhận định, TTIP sẽ áp đặt quan điểm không chỉ là cái nôi cho chủ nghĩa dân túy mà còn có thể gây hại cho nền kinh tế Pháp. Cùng với Pháp, một số nước châu Âu khác có thế mạnh nông nghiệp đặc biệt lo lắng về các chính sách của Mỹ về việc đưa ra sự tự do lớn hơn trong việc mua bán các thực phẩm biến đổi gen hay thịt được xử lý bằng hormone… Tổng thống Francois Hollande trong một cuộc họp báo từng tuyên bố, Pháp “sẽ không bao giờ chấp nhận” những thách thức đối với nông nghiệp và văn hóa của nước mình, để đổi lấy việc các sản phẩm châu Âu đi vào thị trường Mỹ tốt hơn.
Trong dòng người biểu tình tại TP. Hanover hồi tháng 4/2016 - nơi Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Đức Merkel chọn là nơi để cùng nói về các lợi ích của TTIP, những dòng khẩu hiệu “Nói không với TTIP” cho thấy rõ những căng thẳng tích tụ trong nhiều tháng gần đây.
Những xung đột về lợi ích và tiêu chuẩn đòi hỏi các bên sẽ phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, ban hành các tiêu chuẩn mới theo xu hướng hoặc là thắt chặt, hoặc là nới lỏng hơn các tiêu chí hiện nay. Hiện chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy TTIP sẽ cán đích sớm.
Brexit không ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán TTIP Điều đó được khẳng định qua chuyến đi của Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom tới Washington vào hôm ... |
Mỹ và châu Âu trông đợi gì ở TTIP? Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho rằng, Mỹ và châu Âu chỉ còn cơ hội duy nhất để cùng kết thúc TTIP vào ... |
TTIP có thể hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay Vòng đàm phán 13 về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU và Mỹ đã kết ... |