Tỏng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trước các ngoại trưởng các nước thành viên trong một sự kiện trước thềm cuộc họp diễn ra ở Oslo (Na Uy) ngày 31/5. (Nguồn: Twitter) |
Về việc kết nạp Thụy Điển, ngày 1/6, Ngoại trưởng nước này Tobias Billstrom đã lên tiếng hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary - hai thành viên cuối cùng chưa chấp nhận đơn xin gia nhập NATO của Stockholm - phê chuẩn đơn này.
Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp của NATO ở Na Uy, ông Billstrom khẳng định: "Chúng tôi đã thực hiện tất cả các cam kết của mình".
Thụy Điển và Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022, song đến nay, có 28 trên tổng số 30 quốc gia thành viên NATO chấp nhận để Stockholm gia nhập, trong khi Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên của liên minh quân sự hồi đầu tháng 4.
Trước đó, ngày 31/5, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt cho rằng, Thụy Điển nên trở thành thành viên đầy đủ của NATO càng sớm càng tốt và trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên minh ở thủ đô Vilnius (Lithuania) vào tháng 7, bởi "hoàn toàn không có lý do gì để kìm hãm" việc này.
Mới đây nhất, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ, ông sẽ sớm tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận việc kết nạp Thụy Điển vào liên minh quân sự này "nhanh nhất có thể”.
Về Ukraine, ngày 1/6, Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho rằng, cần đưa ra cho Kiev một "lộ trình thật rõ ràng" để gia nhập NATO.
Tương tự, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cũng lưu ý, đã tới lúc các thành viên NATO tìm ra câu trả lời cụ thể cho câu hỏi làm thế nào để Ukraine trở thành thành viên của liên minh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho rằng, NATO cần nghĩ về cách thức mà liên minh này có thể đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, nếu muốn ông tham dự Thượng đỉnh NATO vào tháng 7, liên minh này cần phải đưa ra lộ trình gia nhập cụ thể cũng như những đảm bảo an ninh rõ ràng.
Liên quan vấn đề này, cùng ngày, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết, tất cả các đồng minh NATO đang xem xét và nhất trí rằng Ukraine sẽ trở thành một thành viên của liên minh này.
Ông khẳng định: “Tất cả các đồng minh nhất trí rằng Nga không có quyền phủ quyết việc mở rộng NATO".