📞

Từ chuyện Đất rừng phương Nam: Cần công tâm, cởi mở hơn trong tiếp nhận nghệ thuật

Nguyệt Anh 10:48 | 02/11/2023
Trước những ý kiến trái chiều về phim Đất rừng phương Nam, TS. Đào Lê Na* cho rằng, khán giả cần cởi mở trong việc tiếp nhận nghệ thuật...
Từ những tranh cãi xung quanh phim Đất rừng phương Nam, TS. Đào Lê Na nêu quan điểm, nhà làm phim cũng cần cởi mở để lắng nghe phản hồi của khán giả. (Ảnh: NVCC)

Phim cải biên luôn bị so sánh với tác phẩm văn học

Là một nhà nghiên cứu phim, quan điểm của chị về những ý kiến trái chiều xung quanh phim Đất rừng phương Nam? Theo chị, vì sao phim điện ảnh Đất rừng phương Nam lại gây tranh cãi?

Việc tranh cãi của khán giả trước một tác phẩm điện ảnh không phải là chuyện hiếm, đặc biệt đối với những tác phẩm sử dụng các chất liệu có trước. Theo tôi, Đất rừng Phương Nam gây tranh cãi xuất phát từ một số nguyên nhân.

Phim cải biên từ tác phẩm văn học Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi - một tác phẩm văn học được rất nhiều người đọc yêu thích và ấn tượng. Thực tế, những bộ phim cải biên luôn bị so sánh với tác phẩm văn học có trước dù các nhà làm phim chỉ ghi là: lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, bộ phim còn cải biên từ phim truyền hình Đất phương Nam (đạo diễn Vinh Sơn) - bộ phim được rất nhiều khán giả yêu thích và trở thành ký ức đẹp của nhiều người khi nghĩ về vùng đất Nam bộ.

Khi phim Đất rừng Phương Nam được công chiếu, những vấn đề như tinh thần yêu nước, căn tính Nam bộ mà khán giả mong đợi từ tác phẩm văn học và tác phẩm truyền hình chưa được đáp ứng nên sẽ nảy sinh nhiều tranh cãi. Ngoài ra, phim còn có những tranh cãi khác liên quan đến các chi tiết trong phim, kịch bản, hình ảnh, kỹ xảo, người hâm mộ…

Tôi nghĩ, hầu như phim nào cũng sẽ có những tranh cãi nhưng Đất rừng Phương Nam có lẽ nhiều tranh cãi hơn vì phim có những ưu điểm nổi trội khiến người xem thích thú nhưng cũng có những tình tiết vô lý, khó hiểu làm khán giả bị phân tán cảm xúc.

Có ý kiến cho rằng, khi phim chuyển thể từ tác phẩm văn học thì phải giữ nguyên. Chị nghĩ sao?

Tôi không sử dụng chữ “chuyển thể” vì như vậy sẽ khiến cho nhiều người hiểu lầm là phim chuyển thể thì giữ nguyên nội dung, chỉ thay đổi hình thức nên phải trung thành với tác phẩm văn học. Đây là ý kiến tôi nhận được khi khảo sát mọi người, đặc biệt là sinh viên, học viên cao học về thuật ngữ “chuyển thể”.

Tôi cho rằng, ngôn ngữ tác động đến cách chúng ta tư duy rất nhiều nên nếu dùng thuật ngữ “chuyển thể” sẽ khiến mọi người nghĩ phim lấy chất liệu từ văn học thì phải giữ nguyên nội dung, nếu không thì ghi là phóng tác.

Theo tôi, phim cải biên là cải biên, không có chuyện trung thành hay không trung thành. Phim cải biên (film adaptation) là thuật ngữ dùng để gọi tên các bộ phim lấy chất liệu từ các nguồn khác nhau: từ văn học, phim truyền hình, phim điện ảnh có trước, sự kiện có thật, nhân vật lịch sử chứ không chỉ văn học.

Do đó, tôi sử dụng một thuật ngữ duy nhất cho kiểu phim này là “cải biên”, không dùng thuật ngữ “chuyển thể” hay “phóng tác”. Đối tượng nghiên cứu của phim cải biên có cả phim remake, phim tiểu sử nên không thể dùng từ chuyển thể trong những trường hợp đó. Với phim remake, khi được làm lại là đã có sự cải biên về bối cảnh.

Theo tôi, không có bộ phim nào lấy chất liệu từ tác phẩm văn học có thể “trung thành” với tác phẩm văn học được vì mỗi loại hình nghệ thuật có ngôn ngữ riêng của nó. Điện ảnh, sân khấu, hội họa có những quy tắc, đặc điểm riêng để xử lý các chất liệu có trước. Vậy nên, khi nhà làm phim lấy chất liệu từ văn học thì dù ít hay nhiều cũng đều được gọi là cải biên vì để lấy chất liệu từ văn học thì bắt buộc nhà làm phim phải đọc tác phẩm văn học.

Khi là người đọc, mỗi người có một cách đọc khác nhau. Chúng ta không thể lấy cách đọc, cách hiểu của mình để chê hay phê phán cách đọc hay cách hiểu của người khác. Do vậy, khi nghiên cứu phim cải biên, điều mà chúng ta cần quan tâm là tinh thần của tác phẩm văn chương được kể, được diễn giải ra sao trong tác phẩm điện ảnh. Tinh thần của tác phẩm văn chương là điều được gợi ra từ tác phẩm văn chương mà nhiều người đồng thuận bởi vì mỗi tác phẩm văn chương có thể gợi ra nhiều vấn đề khác nhau.

Nhà làm phim có thể thay đổi, hư cấu nhưng người xem vẫn nhận ra nhà làm phim lấy chất liệu từ tác phẩm văn chương nào và việc cải biên của nhà làm phim nhằm mục đích gì. Điều quan trọng là tinh thần đối thoại của nhà làm phim với tác phẩm văn chương và tinh thần của tác phẩm văn chương được nhiều độc giả tán đồng khi đưa lên phim.

Trong khi đó, có nhiều bộ phim cũng ghi là lấy chất liệu, cảm hứng từ tác phẩm văn chương nhưng ngoài tên nhân vật ra, người xem không thấy được tinh thần của tác phẩm văn chương thể hiện trên phim.

Do vậy, việc gây tranh cãi với những bộ phim lấy chất liệu từ văn học hay các sự kiện có thật, các nhân vật có thật không phải ở việc trung thành hay hư cấu mà ở tinh thần được truyền tải. Tức là, những vấn đề chung được nhiều người đồng thuận khi đọc tác phẩm văn học, khi tiếp cận các sự kiện có thật cũng như khi ấn tượng về một nhân vật lịch sử nào đó mà trong nghiên cứu, chúng tôi gọi là “ký ức tập thể” (collective memory).

Poster phim Đất rừng phương Nam. (Nguồn: Nhà sản xuất)

Phim ảnh, văn chương khác với lịch sử

Thời gian qua, dư luận xôn xao việc phim Đất rừng phương Nam có chi tiết bị cho là nhạy cảm làm sai lệch lịch sử, góc nhìn của chị thế nào?

Phim ảnh, văn chương khác với lịch sử ở chỗ, lịch sử chú trọng ghi chép sự việc xảy ra, theo góc nhìn của người chép sử, còn phim ảnh mượn sự kiện để nói đến vấn đề khác. Muốn học lịch sử thì cần tìm tài liệu nghiên cứu để đọc. Phim ảnh không lấy lịch sử để đưa đến sự kiện đó cho khán giả, mà mục đích là mượn lịch sử để nói điều gì đó về con người, tính nhân văn, tinh thần yêu nước hoặc những vấn đề phức tạp trong tâm lý nhân vật.

Theo tôi, sự hư cấu hoặc sai lệch chi tiết trong Đất rừng Phương Nam nói riêng và trong các phim lịch sử hay lấy bối cảnh lịch sử nói chung không phải vấn đề vì bản thân các sự kiện lịch sử cũng có những tranh cãi, nhiều góc nhìn, dẫn chứng, tư liệu.

Dù phim lấy chất liệu từ nguồn nào cũng sẽ có những tác động đến “ký ức tập thể” của khán giả. Vì vậy, không nên nghĩ rằng “tôi làm phim chỉ để giải trí” để có thể thoải mái đưa ra bất kỳ thông tin gì, hư cấu bất kỳ điều gì mà bỏ qua tác động của phim đối với ký ức của khán giả. Bộ phim có thể xung đột với ký ức tập thể của nhiều người trước đây nhưng lại kiến tạo nên ký ức mới cho lớp khán giả mới, những người chưa có nhiều ký ức về vùng đất Nam bộ.

Quyền lực của bộ phim rất lớn, nhất là những phim lấy chất liệu lịch sử. Trong Đất rừng phương Nam, nhà làm phim muốn truyền tải tinh thần yêu nước và căn tính Nam bộ được thể hiện xuyên suốt từ tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi đến phim truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn thì phải đẩy mạnh những yếu tố này trong phim sao cho phù hợp với ký ức của khán giả về tinh thần yêu nước và căn tính Nam bộ. Việc đẩy mạnh này có thể hư cấu lịch sử nhưng với ký ức cộng đồng thì lại được chấp nhận, thậm chí là được cổ vũ.

Sáng tạo nghệ thuật dựa trên chất liệu lịch sử luôn là chủ đề nhạy cảm và gây tranh cãi. Có phải từ trường hợp Đất rừng phương Nam, khi tiếp nhận nghệ thuật cần cởi mở hơn?

Đúng vậy, việc tiếp nhận một tác phẩm nghệ thuật đến từ chất liệu lịch sử luôn là vấn đề nhạy cảm và dễ tranh cãi. Do đó, theo tôi, khán giả cần cởi mở trong việc tiếp nhận nghệ thuật. Tuy nhiên, cởi mở như thế nào cũng cần phải rõ ràng. Cởi mở để hiểu rằng, phim ảnh là tác phẩm hư cấu của các nhà làm phim nên chúng ta đang xem cách nhìn của nhà làm phim về một sự kiện lịch sử hoặc một thời điểm lịch sử nào đó và cần tỉnh táo tiếp nhận.

Có nghĩa, khi nhà làm phim hư cấu lịch sử thì cần xem việc hư cấu đó có hiệu quả không, có thống nhất với các hình ảnh khác trong bộ phim để tạo nên thông điệp chung hoặc tinh thần chung nào đó mà nhà làm phim muốn đưa tới hay không.

Chúng ta cởi mở tiếp nhận nhưng không nên vô tư tiếp nhận. Khi chúng ta hiểu, phim ảnh có khả năng kiến tạo ký ức tập thể thì cũng cần tỉnh táo tiếp nhận. Đồng thời, nên xem tác phẩm điện ảnh như là một sự gợi mở về một điều gì đó hơn là tin hoàn toàn vào những gì bộ phim đưa đến.

Phim Đất rừng phương Nam gây nhiều tranh cãi.

Vậy để những tác phẩm phóng tác, hư cấu về đề tài lịch sử có thêm một cuộc sống mới trong xã hội hiện tại, theo chị cần phải làm gì?

Tôi nghĩ, khán giả hiện nay xem phim khá nhiều nên họ cũng khá cởi mở đối với những bộ phim hư cấu về đề tài lịch sử. Họ chỉ phản ứng khi tinh thần của bộ phim khác với ký ức của họ về vùng đất, con người hoặc sự kiện lịch sử đó mà thôi.

Nói như thế không phải phim lịch sử có thể thoải mái hư cấu mà cần có sự cố vấn từ các chuyên gia lịch sử vì khi gắn bộ phim với một khung cảnh lịch sử nào đó. Nghĩa là, nhà làm phim phải có lý do cho sự lựa chọn của mình. Sự cố vấn này là một kênh tham khảo để nhà làm phim quyết định nên khai thác yếu tố nào và lược bỏ yếu tố nào, nên thay đổi tên gọi về vùng đất, con người, sự kiện nào đó hay giữ nguyên.

Tôi cho rằng, nhà làm phim nên thoải mái sáng tạo với chất liệu lịch sử, miễn sao sự sáng tạo của họ phù hợp với ký ức tập thể về sự kiện đó hoặc đưa ra một góc nhìn mới giàu tính nhân văn, giúp khán giả nhìn thấy thêm những vấn đề khác khiến họ xúc động, bổ sung thêm ký ức vốn có của họ thì chắc chắn bộ phim sẽ thuyết phục được khán giả.

Việc tranh luận cần thiết cho sự phát triển

Điện ảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách và muôn vàn khó khăn. Nếu phim có vấn đề gì đó, sự tranh luận cũng nên văn minh và mang tính xây dựng hơn?

Với tôi, việc tranh luận luôn cần thiết cho sự phát triển. Trong lịch sử, có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật gây tranh cãi, thậm chí là phản đối nhưng sau đó đã trở thành những tác phẩm mang tính biểu tượng trong lịch sử nghệ thuật. Điều tôi lo ngại là có những tranh luận khá gay gắt không chỉ nhắm đến bộ phim mà còn nhắm đến người làm phim, người tham gia tranh luận hoặc kêu gọi tẩy chay phim, sử dụng những ngôn từ không phù hợp.

Những tranh luận như vậy sẽ khiến người nghe khó tiếp thu dù đâu đó xuất phát từ việc đóng góp ý kiến để bộ phim tốt hơn. Bên cạnh đó, khi việc tranh luận đang “nóng” thì những ý kiến đưa ra dù khách quan thế nào cũng khó tránh khỏi bị suy diễn hoặc bị từ chối lắng nghe.

Khán giả có quyền tự do trong việc quyết định xem phim hay không. Mỗi khán giả cũng có quyền có góc nhìn riêng của họ trong việc tiếp nhận tác phẩm. Do đó, mỗi nhận định chúng ta đưa ra cũng cần có những phân tích thoả đáng dù khen hay chê phim.

Mặt khác, nhà làm phim cũng cần cởi mở để lắng nghe phản hồi của khán giả vì khi làm xong một bộ phim là tác giả hết vai trò. Khán giả căn cứ những gì họ thấy trên phim để diễn giải chứ không thể trông đợi vào giải thích của tác giả.

Dẫu cho trong giai đoạn phát triển kịch bản và sản xuất, người làm phim có những ẩn ý, thông điệp trong cách kể chuyện, cố ý cài cắm chi tiết này chi tiết kia nhưng lúc bộ phim được phát hành, không ai nhìn thấy những điều đó thì nhà làm phim cũng cần lắng nghe để rút kinh nghiệm cho những bộ phim sau.

Xin cảm ơn TS!

*Nhà nghiên cứu phim, TS. Đào Lê Na, Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

- Là tác giả sách: Chân trời của hình ảnh: Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira (2017); Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: giao lưu văn hoá và ảnh hưởng (chủ biên, 2019); Tự sự của hạt mưa (tiểu thuyết, 2019)...