Thủ tướng Canada Justine Trudeau. (Nguồn: CTV News) |
Theo ông Trudeau, đây là “một quyết định rất khó khăn” khi Canada cuối cùng đã quyết định “lách” các biện pháp trừng phạt của chính Ottawa đối với Moscow.
Thủ tướng Canada nói rằng, ông đưa ra quyết định này vì không muốn các quy tắc trừng phạt nhằm vào chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin góp phần gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và cuối cùng gây tổn thương cho người tiêu dùng khí đốt tự nhiên ở những quốc gia như Đức.
Hồi năm 2009, tập đoàn Siemens Energy của Đức đã cung cấp thiết bị trên cho một trạm nén khí thuộc đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1. Những tuabin này được sản xuất tại Canada và cần định kỳ chuyển lại để bảo dưỡng.
Tuy nhiên, các tuabin khí nằm trong danh mục sản phẩm và công nghệ bị hạn chế trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt của Canada đối với Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong khoảng thời gian xảy ra xung đột, các tuabin khí được chuyển về Canada bảo dưỡng bị giữ lại tại đây.
Viện dẫn lý do thiết bị chậm được gửi trả lại, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã cắt giảm tới 60% công suất của Dòng chảy phương Bắc 2 chạy dưới biển Baltic tới Đức.
Ottawa mới đây đã thương lượng một thỏa thuận cho phép tiếp tục sửa chữa các tuabin khí do Moscow sở hữu trong tối đa 2 năm, đồng thời cho phép nhập khẩu và tái xuất tối đa 6 thiết bị.
Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) đã cấp cho Siemens Energy quyền miễn trừ các biện pháp trừng phạt Nga do quốc gia Bắc Mỹ áp đặt.
Quyết định này cho phép “người khổng lồ công nghiệp” của Đức gửi các tuabin từ Dòng chảy phương Bắc 1, hệ thống đường ống do Gazprom kiểm soát, đến các cơ sở của Siemens Canada ở Montreal để định kỳ bảo dưỡng và sửa chữa.
Tuy nhiên, quyết định của Canada đã gây bất đồng nghiêm trọng giữa Ottawa với Kiev và Ukrainian World Congress - tổ chức đại diện cho những người Ukraine ở nước ngoài.