Đại sứ Selim Yenel nhấn mạnh, quy chế thành viên đầy đủ của EU sẽ rất quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Yenel cho rằng, về lâu dài, việc Thổ Nhĩ Kỳ không được gia nhập EU là “không thể chấp nhận được”. Việc gia nhập EU vào năm 2023 sẽ là thành tựu quan trọng, cột mốc đánh dấu 100 năm thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn nhật báo Áo “Tiroler Tageszeitung” hôm 18/8, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói rằng, đàm phán giữa các quốc gia EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải mất nhiều năm. Ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn xa mới có thể trở thành thành viên của EU vì vẫn “chưa hoàn thành các điều kiện cần thiết”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Juncker cho rằng cần phải tiếp tục đàm phán, hướng tới một giải pháp tổng thể mang lại lợi ích cho nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn gia nhập EU (Nguồn: TTXVN) |
Trước đó, Áo đã kêu gọi chấm dứt thảo luận với Ankara về việc gia nhập EU liên quan tới những diễn biến sau cuộc đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước. Tuy nhiên, đề nghị của Áo không nhận được ủng hộ tại cuộc gặp các Đại sứ EU mới đây.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cũng mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu tới Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ sự ủng hộ cho dân chủ sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua.
Về phần mình, Thủ tướng Angela Merkel, trong lúc này, đánh giá mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ mang tính “đặc biệt”, mặc dù có những căng thẳng mới giữa 2 quốc gia. Theo Thủ tướng Merkel, điều làm cho mối quan hệ Đức-Thổ trở nên đặc biệt là hơn 3 triệu người thổ hiện đang sinh sống ở Đức.
Quan hệ giữa Ankara và Brussels trở nên căng thẳng kể từ tháng 7 vừa qua khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan chỉ trích các đồng minh châu Âu sau cuộc đảo chính bất thành.
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức nộp đơn xin gia nhập EU từ năm 1999.