75 trẻ mầm non ở Hải Dương phải mặc áo mưa đi cách ly tập trung. (Ảnh: Hiệp Đặng) |
Tết Tân Sửu cận kề. Nếu như mọi năm, các nhà sẽ rộn ràng, người người đi mua sắm, bận rộn sửa nhà. Trẻ em náo nức với các buổi học cuối cùng của năm cũ. Áo mới sắp được mua, nhà đang được sang sửa, kế hoạch vui chơi, sắm Tết, gói bánh chưng, bánh tét…
Năm nay, đường phố vắng tanh, trường học đóng cửa, không khí âu lo, mệt mỏi vì dịch Covid-19. Đến giờ, đã hơn một năm, Covid-19 xuất hiện, tung hoành khắp nơi trên thế giới, giết chết hơn 2 triệu người, khiến hơn 100 triệu người nhiễm bệnh, hàng nghìn thành phố, làng mạc bị phong tỏa; hầu hết chuyến bay bị hoãn hoặc xóa bỏ hoàn toàn; hàng triệu công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng tỉ người trên trái đất rơi vào cảnh khó khăn.
Việt Nam may mắn hơn những nước khác rất nhiều khi vẫn được sống trong trạng thái bình thường mới. Trạng thái bình thường thật sự kèm chút âu lo và hồi hộp. Chúng ta đã phải chiến đấu căng thẳng trong 3 đến 4 đợt dịch lớn. Các biện pháp an toàn được người dân ủng hộ, cùng với sự vào cuộc nhanh nhẹn, quyết liệt của hệ thống phòng chống dịch cùng sự chỉ đạo sáng suốt của Chính phủ đã khiến chúng ta làm nên lịch sử.
Nhưng chúng ta đã không thể có một cái Tết thực sự yên lành chỉ vì sự ích kỉ của một số cá nhân người dân. Trốn về nhà ăn Tết theo đường tiểu ngạch, trốn cách ly, trốn khai báo y tế là những điều họ đã làm.
Từ lâu ngành Y tế đã nhận diện nguy cơ dịch bệnh Covid-19 sẽ xâm nhập rất lớn từ người nhập cảnh. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát nhập cảnh bằng đường hàng không, việc kiểm soát nhập cảnh bằng đường thủy tại các cảng biển là điều rất quan trọng.
Như vậy, bằng đủ mọi cách, hàng trăm kẻ đã vượt biên trốn về nước, trôn cách ly. Bên cạnh đó, một số người che dấu cho họ, rồi lại cũng chính họ và người thân gieo rắc virus khắp nơi.
Thật buồn khi nghe thông tin chỉ có 1% trong số các F1 tự báo tin đến các cơ quan chức năng, 99% là kết quả tìm kiếm. Biết rằng, truy vết rồi cũng ra những sẽ mất khá nhiều thời gian, bỏ lỡ thời gian vàng, virus sẽ lây lan nhanh hơn.
Con số 99% F1 không tự giác, trốn tránh cơ quan chức năng nghĩ gì khi họ là nguồn lây bệnh ra cộng đồng? Vì họ ích kỷ, sợ bị kỳ thị, sợ không được sum vầy Tết với gia đình? Dù là lý do gì cũng khó có thể thông cảm, khó có thể chấp nhận.
Làn sóng dịch lần này khó chống hơn vì biến chủng, lại gặp sự bất hợp tác của một bộ phận F0, F1. Sự khai báo thiếu trung thực sẽ khiến việc khoanh vùng bị chậm đi, nguy cơ lây lan vì thế càng lớn hơn.
Trong khi đó, không ít trường hợp thuộc diện F1, F2 không chủ động khai báo thông tin, thậm chí, họ coi cách ly và khai báo y tế là việc nên né tránh. Chúng ta nghe họ "ném đá" những người khai báo y tế mà không thể nén nổi căm giận. Họ rủa xả những người khai báo y tế là hành động điên rồ. Họ muốn ăn Tết bình thường mặc cho sự ích kỉ của họ khiến người khác... mất Tết.
Họ không muốn cách ly, khai báo quanh co, gian dối. Họ muốn ăn Tết bình thường, sao nỡ để nhiều trẻ em phải ăn Tết trong khu cách ly khi các con còn rất nhỏ. Họ muốn xung quanh không ai kì thị họ, sao không nghĩ đến những bất tiện mà những đứa trẻ và gia đình phải chịu vì họ. Càng thương lũ trẻ, chúng ta càng buồn, càng giận những kẻ ích kỉ, vô trách nhiệm.
Tết cận kề, thấy xót xa khi nghĩ đến 118 em học sinh, phụ huynh Trường tiểu học Xuân Phương đang bị cách ly tại trường. 75 trẻ mầm non ở Hải Dương phải mặc áo mưa đi cách ly tập trung. Học sinh Trường tiểu học Ban Mai, Trường THCS Dịch Vọng phải cách ly tại nhà vì có phụ huynh - học sinh mắc Covid-19. Nhiều trường khác tại Hà Nội có học sinh cũng đang phải cách ly theo diện F1, F2...
Chúng ta mong mỏi các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý được hết các ổ dịch, đồng thời xử lý hình sự những kẻ cố tình gieo rắc bệnh tật cho cả cộng đồng. Chúng ta cũng mong những người nào vô tình trở thành F0, F1 tự nguyện khai báo để mùa Xuân Tân Sửu sẽ đẹp như kỳ vọng. Việc trung thực, tự giác và hợp tác chống dịch của mỗi người không phải cho ai khác mà cho chính mình, cho người thân của mình.