📞

Từ phim Đất rừng Phương Nam: Khen chê cần công tâm

Nguyệt Anh (ghi) 11:29 | 05/11/2023
Theo những người làm nghệ thuật và lý luận - phê bình, công chúng hãy cởi mở hơn khi đánh giá một tác phẩm.

Trước những ý kiến trái chiều xung quanh phim Đất rừng phương Nam, các nhà lý luận phê bình cho rằng, tác phẩm nghệ thuật khi được “trình làng” thu hút dư luận là tín hiệu tốt, cho thấy tác phẩm “có gì đó để nói”. Báo TG&VN chia sẻ ý kiến của hai chuyên gia về vấn đề này.

Thưởng thức nghệ thuật lành mạnh và văn minh

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã

Những tranh luận nghề nghiệp đối với tác phẩm hết sức quý giá đối với đội ngũ sáng tạo. Song, cách góp ý theo kiểu mạt sát, “chụp mũ” tác giả và tác phẩm là thái độ cảm thụ nghệ thuật không có thiện tâm, sự công bằng, khách quan và tinh thần khoa học.

Với trường hợp Đất rừng phương Nam phiên bản 2023, tôi nghĩ, nguyên nhân của những ồn ào vừa qua là vì có một bộ phận khán giả trong “cơn” lên đồng về tinh thần dân tộc đã nhìn, soi bộ phim với sự ám thị. Những suy luận từ các chi tiết rất nhỏ bị thổi phồng, dẫn dụ cộng đồng mạng đến những hiểu biết phiến diện. Thậm chí, có cả những người chưa từng xem phim đã “a dua” theo, tạo nên làn sóng phản ứng không đáng có đối với một tác phẩm nghệ thuật.

Nói chung, tôi cho rằng, việc thưởng thức hay phê phán một bộ phim nói riêng và tác phẩm nghệ thuật nói chung nên xuất phát từ thái độ công tâm, khoa học. Bạn có thể chê “nó”, nhưng hãy bắt đầu từ sự hiểu biết của người làm khoa học đúng nghĩa.

Lịch sử là đề tài hấp dẫn và đầy thách thức với người sáng tạo. Tuy nhiên, khái niệm “trung thành với lịch sử” khá mơ hồ. Bởi lẽ, nếu muốn có sự trung thành tuyệt đối, ta nên tìm đến sách sử hoặc phim tài liệu. Còn với các tác phẩm hư cấu, bao gồm cả văn học, sân khấu, điện ảnh, hội họa… thì đề tài lịch sử là mảnh đất cho trí tưởng tượng và những suy luận mang tính triết lý của các nhà sáng tác được bay bổng.

Rất nhiều tác giả văn học và sân khấu đã có tác phẩm dựa trên đề tài lịch sử. Với điện ảnh, do kinh phí cần thiết cho một tác phẩm ra đời quá lớn nên có sự thận trọng hơn. Nhưng như vậy cũng đủ thấy, lịch sử không phải là một “cái gông” đối với người sáng tác. Sự sáng tạo nên được dựa trên khả năng suy đoán và trí tưởng tượng phong phú của người sáng tác, miễn sao tinh thần thời đại mà họ khai thác không bị sai lệch.

Để những tác phẩm phóng tác, hư cấu về đề tài lịch sử có thêm cuộc sống mới trong xã hội hiện tại, tôi nghĩ có hai mặt của vấn đề. Về phía người sáng tác, khi bắt tay vào đề tài lịch sử hoặc có dính đến lịch sử, tác giả nên có sự tham khảo các chuyên gia lịch sử hoặc tư liệu lịch sử đã được in ấn chính thức. Song, như thế vẫn chưa đủ, thao tác “kiểm tra chéo” với các nguồn tư liệu và ý kiến của chuyên gia cũng cần thiết để từ những tư liệu ấy, ta có thể sáng tạo, hư cấu một cách khoáng hoạt và tự tin.

Về phía người xem, không nên xem phim hay đọc sách dưới góc nhìn ám thị của mình, vì không chắc những gì mình biết đã là đúng. Hãy thưởng thức nghệ thuật để đánh giá tính logic nội tại của chính tác phẩm, đặt “nó” trong tinh thần thời đại. Không đem những ám thị của ngày hôm nay đánh giá những giá trị lịch sử của hàng thế kỷ trước. Đó là thái độ thưởng thức nghệ thuật lành mạnh, công bằng và văn minh.

Cần cởi mở trong tiếp nhận nghệ thuật

Nhà nghiên cứu phim, TS. Đào Lê Na.

Nhà nghiên cứu phim, TS. Đào Lê Na (Trưởng Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

Các nhà làm phim có quyền sáng tạo bất cứ thứ gì, nhưng nghiên cứu phim luôn cho thấy điện ảnh có sức mạnh tạo ra ký ức cộng đồng. Phim ra sau lấy cảm hứng về chất liệu từ hai nguồn có trước (Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi và phim Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) được nhiều người yêu thích và đi cùng tuổi thơ của họ, gắn với ký ức cộng đồng, chắc chắn sẽ gây ra những tranh luận trái chiều cũng là điều dễ hiểu.

Việc tiếp nhận một tác phẩm nghệ thuật đến từ chất liệu lịch sử luôn là vấn đề nhạy cảm và dễ tranh cãi. Do đó, khán giả cần cởi mở trong việc tiếp nhận nghệ thuật. Chúng ta cởi mở để hiểu rằng, phim ảnh là tác phẩm hư cấu của các nhà làm phim, xem cách nhìn của nhà làm phim về một sự kiện lịch sử hoặc một thời điểm lịch sử nào đó và cần tỉnh táo tiếp nhận.

Có nghĩa, khi nhà làm phim hư cấu lịch sử thì cần xem việc hư cấu có tạo nên thông điệp chung muốn đưa tới hay không. Chúng ta cởi mở nhưng không nên vô tư tiếp nhận. Tôi nghĩ, khán giả hiện nay chỉ phản ứng khi tinh thần của bộ phim khác với ký ức của họ về vùng đất, con người hoặc sự kiện lịch sử đó mà thôi.

Nói như thế không phải phim lịch sử có thể thoải mái hư cấu mà cần có sự cố vấn từ các chuyên gia lịch sử. Sự cố vấn này là một kênh tham khảo để nhà làm phim quyết định nên khai thác yếu tố nào và lược bỏ yếu tố nào, nên thay đổi tên gọi về vùng đất, con người, sự kiện nào đó hay giữ nguyên.

Tôi cho rằng, nhà làm phim nên thoải mái sáng tạo với chất liệu lịch sử, miễn sao sự sáng tạo của họ phù hợp với ký ức tập thể về sự kiện đó hoặc đưa ra một góc nhìn mới giàu tính nhân văn, chắc chắn bộ phim sẽ thuyết phục được khán giả.

Với tôi, việc tranh luận luôn cần thiết cho sự phát triển. Trong lịch sử, có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật gây tranh cãi, thậm chí bị phản đối nhưng sau đó đã trở thành những tác phẩm mang tính biểu tượng trong lịch sử nghệ thuật. Điều tôi lo ngại là có những tranh luận khá gay gắt không chỉ nhắm đến bộ phim mà còn nhắm đến người làm phim, người tranh luận hoặc kêu gọi tẩy chay phim, sử dụng những ngôn từ không phù hợp…

Những tranh luận như vậy sẽ khiến người nghe khó tiếp thu. Bên cạnh đó, khi việc tranh luận đang “nóng” thì những ý kiến đưa ra dù khách quan thế nào cũng khó tránh khỏi bị suy diễn hoặc bị từ chối lắng nghe.

Khán giả có quyền có góc nhìn riêng của họ trong việc tiếp nhận tác phẩm. Tuy nhiên, mỗi nhận định chúng ta đưa ra cũng cần có những phân tích thỏa đáng dù khen hay chê. Sự tranh luận nên văn minh và mang tính xây dựng là cần thiết. Đồng thời, nhà làm phim cần cởi mở để lắng nghe phản hồi từ phía khán giả.