Các thành viên tàu Cảnh sát biển số 8003. |
Các thành viên lực lượng bảo vệ bờ biển Việt Nam - Trung Quốc đã bắt tay nhau, chụp ảnh khi họ gặp nhau tháng trước, cùng ăn trái cây và nâng cốc trong một bữa tiệc. Hiện giờ, họ đang trong tình trạng bế tắc, căng thẳng trên Biển Đông.
"Cả hai bên đã rất vui vẻ và đoàn kết", Trung tá Phan Duy Cường, Trợ lý tác chiến Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, nói về buổi tiệc hôm 15/4."Chúng tôi đã nâng cốc chúc mừng. Họ đã đi trên tàu của chúng tôi và chúng tôi đi trên tàu của họ".
Các con tàu số hiệu 8003 và 2007 của Việt Nam đã cùng với hai tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc cùng bên nhau ba ngày trong vịnh Bắc Bộ. Một tháng sau, ít nhất một trong những con tàu Trung Quốc này đã được điều đi hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 mà hiện Việt Nam đang yêu cầu rời đi, theo ông Cường.
Xung đột liên quan đến giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa phản ánh một sự lạnh nhạt mới giữa Việt Nam và Trung Quốc sau những nỗ lực xích lại gần nhau, trong đó có một loạt chuyến thăm chính thức vào năm ngoái.
"Những ngày trước, chúng tôi đã cùng làm việc nhưng hiện giờ có một đường ngăn cách giữa chúng tôi", ông Cường nói trên boong tàu 8003, "Tôi rất buồn". Trong đợt tuần tra chung vào tháng 4 vừa rồi, các tàu đã cùng nhau kiểm tra các tàu đánh cá Trung Quốc và Việt Nam.
Vòi rồng
Ông Cường đã được phân công nhận nhiệm vụ trên tàu 8003 kể từ khi nó rời cảng Hải Phòng hôm 5/5 để tuần tra vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Trong ba ngày cuối tuần trước, con tàu đã bị lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc truy đuổi khi nỗ lực tiếp cận giàn khoan. Các tàu Trung Quốc chỉ cách tàu của Việt Nam 400 m và tìm cách xua đuổi tàu Việt Nam. Nhiều tàu khác bị đâm, ông Cường cho biết. Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng.
Phó giáo sư Tan See Seng, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định: "Tôi ngờ rằng lý do mà Trung Quốc hành động ngang ngược như vậy là vì Trung Quốc tính đến ý định và chiến lược của Mỹ ở khu vực này... Mối lo lắng lớn của Trung Quốc là Mỹ và các đối tác sẽ đóng băng các tuyến đường giao thương chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông".
Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra chiến tranh biên giới năm 1979 và 5 năm trước đó, Trung Quốc đã chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988, một tàu hải quân Trung Quốc đã tấn công quần đảo Trường Sa, giết chết 64 lính Việt Nam khi Trung Quốc chiếm 7 đảo san hô. Năm 2007, tàu hải quân Trung Quốc đã bắn vào một tàu đánh cá của Việt Nam, giết chết một thủy thủ.
Ánh đèn "thành phố"
Ngoài Biển Đông tuần trước, màn hình radar tàu 8003 hiển thị 60 tàu Trung Quốc trong khi Việt Nam chỉ chưa đến 10 tàu. Tàu của ông Cường hôm 6/5 đã cách giàn khoan khoảng 3 hải lý trước khi buộc phải đi ra.
"Ngày đầu tiên tới đó, chúng tôi nhìn thấy các con tàu đều sáng đèn", Bùi Sơn, một thành viên trên tàu chia sẻ. "Nó cứ giống như là một thành phố. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy sự hiện diện lớn như vậy trong vùng biển Việt Nam. Chúng tôi bị sốc".
Máy bay tầm thấp
Các thành viên trên tàu số hiệu 8003 đã nhìn thấy hai tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc ở khu vực này trong khi một máy bay của Trung Quốc bay ở tầm thấp. Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin rằng có một tàu ngầm Trung Quốc ở khu vực này.
Đại tá Lưu Tiến Thắng, Phó chủ nhiệm chính trị của Bộ tự lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nói rằng các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam có mặt trong vùng biển gần giàn khoan.
"Chúng tôi không sử dụng hải quân để biểu thị ý muốn giải quyết theo cách hòa bình của chúng tôi", ông nói vào ngày 15/5 trên tàu 8003. "Nếu chúng ta triển khai lực lượng hải quân, tình hình sẽ leo thang ".
Cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam tuần trước biến thành các cuộc tấn công vào các công ty của Đài Loan và Singapore, khiến hai người Trung Quốc thiệt mạng và nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo chính quyền địa phương và lực lượng an ninh có " hành động nhanh" chấm dứt các cuộc biểu tình gây rối.
Chính quyền tỉnh Bình Dương sẽ miễn phí thuê đất cho các công ty bị phá hoại, trích lời ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
"Gia đình" của Trung Quốc
Năm ngoái, mọi thứ có vẻ lạc quan khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường có hàng loạt chuyến thăm tới các quốc gia Đông Nam Á, cam kết đẩy mạnh đầu tư và thương mại. Ông Tập Cận Bình nói vào tháng 10 rằng "châu Á - Thái Bình Dương là một gia đình lớn và Trung Quốc là một thành viên của gia đình đó".
Việt Nam và Trung Quốc vào tháng 6 năm ngoái đã thiết lập một đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo và đã mở rộng một hiệp định vào năm 2006 để cùng khai thác dầu ở Vịnh Bắc Bộ. Ông Lý Khắc Cường đã thăm Việt Nam vào tháng 10 nơi ông cùng người đồng cấp Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cam kết để củng cố "niềm tin chính trị", ký một bản ghi nhớ về khu vực hợp tác kinh tế xuyên biên giới và đồng ý mở các văn phòng xúc tiến thương mại.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã thăm Bắc Kinh vào tháng 6 năm ngoái, nơi ông có một cuộc gặp 3 tiếng với ông Tập Cận Bình và họ đã đồng ý thúc đẩy "hợp tác thực chất" trên những lĩnh vực như quốc phòng, theo Tân Hoa Xã.
Sự tự tin gia tăng của Trung Quốc ở trên trường quốc tế, cùng với phong cách "cứng rắn" của Tập Cận Bình, có nghĩa là mối quan hệ với Việt Nam có thể căng thẳng, theo Arthur Ding, một nhà nghiên cứu tại Phòng chính trị Trung Quốc thuộc Viện Quan hệ quốc tế ở Đài Bắc.
"Tôi không nghĩ nó sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh", ông Dinh nói qua điện thoại. "Trung Quốc và Việt Nam vẫn kiềm chế".
Tình hữu nghị đang nhạt dần
Trên tàu 8003, ông Sơn nói rằng ông không sợ tàu lớn của Trung Quốc.
"Những gì tôi lo lắng là mối quan hệ của chúng tôi đang xấu đi và chúng tôi đang mất niềm tin vào nhau". "Đó là mất mát lớn của hai nước".
"Khi chúng tôi nói lời tạm biệt, chúng tôi đã hứa chúng tôi sẽ gặp lại nhau. Giờ đây chúng tôi gặp nhau trong tình huống rất khó khăn như thế này".
CHÂU LONG (lược dịch)