Nhỏ Bình thường Lớn

Những chuyện "lạ" trong mùa thi

Đợt tuyển sinh ĐH, CĐ đầu tiên của mùa thi năm nay nói chung đã kết thúc trong an toàn, mặc dù vẫn còn một số thí sinh vi phạm quy chế. Theo thống kê ban đầu, tống số có khoảng 79 thí sinh vi phạm quy chế trên toàn quốc.

Trong đó có 18 thí  sinh bị khiển trách, 9 trường hợp bị cảnh cáo, 51 trường hợp bị đình chỉ thi. Về những thí  sinh bị đình chỉ thi, bên cạnh những trường hợp bị đình chỉ thi vì lý do  cố ý, có những thí sinh thật sự đáng tiếc khi bị đình chỉ vì những nguyên nhân..."lãng xẹt". Những trường hợp đó là những câu chuyện hi hữu trong mùa thi.

Ngày thi môn toán - lý đầu tiên, trong số 13 thí sinh bị đình chỉ thi hầu hết vì lý do mang theo điện thoại di động vào phòng thi, một số sự việc xảy ra thật đáng tiếc với thí sinh Trần Anh Tuấn, số báo danh 02275 ở Hội đồng thi của trường  ĐH Kiến Trúc. Với suy nghĩ đơn giản mang theo ĐTDĐ vào phòng thi mà không sử dụng thì coi như ko vi phạm quy chế nên Tuấn đã mang theo ĐTDĐ trong túi quần khi vào thi.

Chỉ còn 15 phút nữa là kết thúc giờ thi, máy điện thoại của Tuấn đột nhiên phát tín hiệu nhận được tin nhắn. Tin nhắn đó là của mẹ Tuấn với nội dung đại ý: "Con cứ yên tâm thi, mẹ đang đợi con ngoài cổng...". Và từ tín hiệu phát nhận tin nhắn này, Tuấn bị giám thị phát hiện vi phạm quy chế và lập tức bị lập biên bản và đình chỉ thi. Khi nhận quyết định đình chỉ thi, vừa mếu máo, Tuấn vừa ngây thơ hỏi giám thị rằng: "Em có được tiếp tục thi nữa không?". Những người làm công tác tuyển sinh đều tiếc thay cho Tuấn. Bởi Tuấn đã hơn một lần thi ĐH mà em lại "trượt" trước cả khi công bố điểm.

Còn đáng tiếc hơn Tuấn là những trường hợp không được dự thi đại học vì đến muộn. Trường hợp thứ nhất của thí sinh Nguyễn Ngọc Hằng, số báo danh 06018. Chỉ vì đêm hôm trước thức quá khuya nên sáng hôm sau Hằng ngủ quên nên đi muộn. Lúc Hằng đến cổng trường thì buổi thi đã bắt đầu được 30 phút. Trường hợp thứ 2 cũng như Hằng, đó là thí sinh Nguyễn Hiệp Hòa, ở đường Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM. Thí sinh này đến điểm thi trường ĐH Công nghiệp lúc 7 giờ thì phát hiện quên bằng tốt nghiệp THPT. Không hỏi ai, hơn nữa lại cuống, thế là Hòa cắm cổ đạp xe về nhà để lấy bằng trong khi nhà Hòa và điểm thi cách nhau khá xa. Đến thi quay lại cổng trường thì đã 7h30, vậy là Hòa không được vào thi.

Những nguyên nhân dẫn đến thí sinh bị đình chỉ thi thì muôn hình vạn trạng. Một lý do phải kể đến nữa đó là thí sinh đổi đề cho nhau để xem đề dễ hay khó hay là đổi bài làm để giúp nhau kiểm tra xem bài làm đúng hay sai, nhất là ở môn thi trắc nghiệm. Vì quan niệm đơn giản những hành vi như vậy thực hiện chỉ với mục đích trong sáng, không có động cơ gian lận, hơn nữa các hình thức thi trắc nghiệm, đề của các thí sinh lại khác nhau nên đổi bài hay đổi đề như vậy thì thí sinh không hề hấn gì trong việc phạm quy. Tuy nhiên tất cả các thí sinh làm như vậy đều vi phạm và bị đình chỉ thi.

Cùng với những trường hợp thí sinh bị đình chỉ  vì các lý do đáng tiếc, ở đợt tuyển sinh đầu tiên còn xảy ra những trường hợp có thể nói là hy hữu từ trước đến nay. Như Nguyễn Viết Phong, thí sinh tại Hội đồng thi của trường Đ H Mỏ - Địa chất, số báo danh 9946 vào giờ nộp bài đã giật bài thi từ tay một thí  sinh khác để chép kết quả bài làm của thí sinh ấy vào bài làm của mình. Trường hợp này đã bị giám thị cảnh cáo. Cũng ở hội đồng thi này, thí sinh Nguyễn Văn Khoa, số báo danh 06847, không hiểu vì lý do gì, đến giờ nộp bài đã xé ngay bài thi của mình trong phòng thi sau đó bỏ chạy. Hiện vụ việc này đang được làm rõ.

Tuy nhiên hy hữu hơn cả những trường hợp trên, thậm chí chưa bao giờ xảy ra ở các mùa thi trước là chuyện, một nữ thí sinh "lừa" người yên ngoạn mục trong việc thi đại học. Tại buổi đầu tiên tại hội đồng thi  của Học viện ngân hàng, một thí sinh nữ ( quê ở Thọ Xuân - Thanh Hóa) cứ lang thang ở sân trường mà không vào phòng thi. Trong khi tất cả các thí sinh khác đã yên vị tại phòng và chờ phát đề để thực hiện bài thi.

Do thấy sân trường quá vắng không còn ai ngoài những người làm nhiệm vụ bảo vệ, sợ bị phát hiện nên thí sinh ấy "lủi" vào nhà ăn của trường và hồn nhiên nhặt rau với những người đang chuẩn bị bữa ăn phục vụ cho công tác coi thi. Thấy lạ, một trong số những người đó liền báo bảo vệ. Sau đó khi nhận được thông báo, lập tức, bảo vệ và những người làm công tác an ninh tại Hội đồng thi của Học viện ngân hàng đã "dong" thí sinh nói trên từ nhà ăn lên văn phòng để làm rõ nguyên nhân việc thí sinh bỏ thi.

Theo tường trình của thí sinh ấy, hóa ra là nói dối người yêu là đi thi Học viện ngân hàng trong khi thực tế lại không thi nên phải trốn chui lủi. Bởi nếu không trốn mà lại "thò mặt" ra cổng Học viện thì bị người yêu phát hiện ngay, vì người yêu của cô đang đợi ở cổng trường để chờ cô thi xong rồi đưa về. Mà nếu bị người yêu phát hiện thì thí sinh này không những chỉ bị lộ chuyện nói dối mà còn bị "truy" về khoản tiền tài trợ cho việc học thêm cùng với sách vở để ôn thi. Đúng là chuyện " độc nhất vô nhị" trong mùa thi.

Những chuyện "độc nhất vô nhị" không chỉ xảy ra với các thí sinh mà cũng xảy ra với giám thị. Chuyện của một giám thị tại hội đồng thi trường ĐH tại Hà Nội là một ví dụ. Ngày cuối cũng thi môn hóa, vì bài làm quá bẩn do tẩy xóa nhiều, một  thí sinh sau khi được phép đã chép lại bài làm vào một tờ thi khác. Đến giờ nộp bài thí sinh đó nộp cho giám thị cả hai bài thi cũ và mới.

Trong trường hợp đó, đáng lẽ giám thị phải hủy tờ làm bài thi cũ do tẩy xóa nhiều phải thay thì giám thị lại xé ngay tờ chép mới lại bài thi. Vậy là để giải quyết "hậu quả", giám thị của hội đồng thi đó phải chặng toàn bộ những mảnh đã xé của tờ chép mới rồi dán ghép lại để thí sinh bị xé bài từ đó chép lại một bản khác. Như vậy chỉ một phút sơ sểnh của giám thị đã dẫn đến một "tiền lệ" chưa bao giờ xảy ra ở mùa thi trước ở nước ta.

Dẫu có thế là vô tình, nhưng đây sẽ là bài học kinh nghiệm không chỉ cho thí sinh mà cho cả giám thị trong đợt thi tới để những chuyện đáng tiếc sẽ không còn xảy ra.

Theo ANTG