Sáng 22/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và tiến hành hội đàm với Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Dominic Raab.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Dominic Raab thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-22/6 và tham dự Đối thoại Chính sách cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM).
Việt Nam-Anh đã ra Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Dominic Raab vào ngày 30/9/2020, với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên và khẳng định hai bên hướng tới nâng quan hệ lên mức cao hơn trong 10 năm tới.
Về hợp tác trên diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên đã có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong thời gian Việt Nam là thành viên không thường trực HĐBA/LHQ khóa 2008-2009 và khóa 2020-2021. Hai bên cùng là thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.
Anh thúc đẩy hợp tác và tranh thủ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam để mở rộng quan hệ với ASEAN; Việt Nam ủng hộ đề nghị Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN. Hiện Anh đã đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mong muốn Việt Nam ủng hộ Anh.
Quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam-Anh đạt khoảng 5,6 tỉ USD năm 2020, giảm gần 15% so với 2019, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 4,9 tỉ USD và nhập khẩu đạt 700 triệu USD. Hai bên đã chính thức ký FTA song phương (ngày 29/12/2020) để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư sau khi Anh rời EU.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 2,69 tỉ USD, tăng 26,98% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 2,4 tỉ USD, tăng 28,7%; nhập khẩu đạt 325 triệu USD, tăng 15,72%.
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại- linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu và nhập khẩu từ Anh gồm máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất.
Hai bên đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (UKVFTA) tại London (29/12/2020) trên nguyên tắc kế thừa EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021). UKFTA được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại toàn diện, lâu dài, ổn định giữa Việt Nam và Anh.
Về đầu tư, tính đến hết năm 2020, Anh có 411 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 3,84 tỷ USD, đứng thứ 15/139 trong số các nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Các công ty lớn có mặt tại Việt Nam: Công ty dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, động cơ máy bay Rolls-Royce, viễn thông Vodafone, vận tải P&O, hoá chất dược GlaxoSmithKline, các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, bảo hiểm Prudential. Ngân hàng Standard Chartered Bank và Ngân hàng HSBC là hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.
Anh chú trọng phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo với sự hiện diện của Cơ quan phát triển văn hoá - giáo dục (Hội đồng Anh) tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; tích cực thúc đẩy sự tham gia của hệ thống các trường hàng đầu của Anh trong liên kết đào tạo cũng như hợp tác xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam.
Kết thúc hội đàm, hai Bộ trưởng đã gặp gỡ các cán bộ ngoại giao Việt Nam được nhận học bổng Chevening năm 2020-2021. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Chính phủ Anh đã cung cấp học bổng hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hơn 30 năm qua, trong đó có việc đào tạo các cán bộ ngoại giao Việt Nam.
Anh là nước đóng góp nhiều cho COVAX với vaccine do AstraZeneca/Đại học Oxford cùng phát triển. Tại điện đàm ngày 19/5/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Raab đã ghi nhận đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vận động Anh tạo điều kiện hơn nữa về cung cấp vaccine cũng như xem xét thuận lợi chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.