Nhỏ Bình thường Lớn

Môi trường quốc tế và chiến lược hội nhập quốc tế của Việt Nam

Những thay đổi nhanh chóng trong môi trường chiến lược khu vực và quốc tế không chỉ đặt một số thách thức, mà còn đem lại những tiền đề và điều kiện hết sức thuận lợi cho Việt Nam thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
TS Hoàng Anh Tuấn và cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dennis Blair tại tọa đàm bàn tròn do Học viện Ngoại giao tổ chức, tháng 3/2012.

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã có bước chuyển hướng về tư duy, đề ra định hướng chiến lược chuyển từ tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Điều này không chỉ phản ánh bước trưởng thành về chất trong tư duy, mà còn phản ánh xu hướng hợp tác và hội nhập đang diễn ra hết sức mạnh mẽ ở khu vực và trên thế giới.

Theo cách hiểu chung nhất, hội nhập quốc tế là tiến trình các nước chủ động tăng cường các hoạt động gắn kết họ với nhau dựa trên sự chia sẻ chung về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế. Đối với chúng ta, hội nhập quốc tế không chỉ là tiến trình phát triển khách quan, tất yếu, mà còn là một sự lựa chọn chính sách thể hiện sự tự tin sau thành công của hơn 35 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Chúng ta bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế trong bối cảnh tình tình thế giới đang chuyển biến hết sức nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Về mặt kinh tế, mặc dù thế giới tránh được viễn cảnh suy thoái tương tự như cuộc khủng hoảng 1929-1933, nhưng "hậu khủng hoảng" 2008-2009 vẫn để lại những di chứng nặng nề: Kinh tế châu Âu vẫn đang loay hoay, tìm lối thoát; còn tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Nhật vẫn chưa thực sự vững chắc. Trong khi đó, động lực tăng trưởng mới của thế giới gồm khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhóm các nền kinh tế mới nổi là BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) bắt đầu "ngấm đòn", với tăng trưởng kinh tế sụt giảm và khu vực tài chính, ngân hàng của họ đang lộ dần các "tử huyệt". Về mặt chính trị-an ninh, tuy hầu hết các cặp quan hệ giữa các nước lớn được cải thiện, nhưng các nghi kỵ chiến lược giữa Mỹ-Nga, Mỹ-Trung và Trung-Nhật vẫn hết sức sâu sắc và chưa thể hóa giải một sớm, một chiều.

Tuy nhiên, gạt sang một bên các thách thức trên, nếu nhìn rộng và xa hơn, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều xu hướng và diễn biến tích cực đang diễn ra, tạo các cơ hội "đời người có một", cho việc Việt Nam thúc đẩy chiến lược hội nhập trong 10-15 năm tới.

Trước hết, môi trường chiến lược trong khu ực về cơ bản là hòa bình và ổn định. Các mâu thuẫn mang tính chiến lược và cơ cấu trong tam giác quan hệ Mỹ-Nhật-Trung sẽ vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt. Tuy nhiên, các tính toán về ưu tiên nội trị cùng với so sánh tương quan lực lượng tổng thể hiện thời khiến không nước nào trong ba nước trên dám mạo hiểm có những bước đi thiếu tính toán, đẩy quan hệ giữa họ với nhau và môi trường an ninh khu vực vào thời kỳ đối đầu và "chiến tranh lạnh" mới. Đây chẳng phải là những nhận định tương tự như việc các nước ASEAN đã rút ra được trong những năm 1960 và 1970 khi tình hình khu vực và thế giới khi đó phức tạp hơn gấp nhiều lần, để họ dồn sức, tập trung vào tăng cường nội lực và xây dựng chủ nghĩa khu vực.

Thứ hai, tiến trình xây dựng cộng đồng và tự do hóa thương mại trong khu vực đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết và Việt Nam hiện là một trong số rất ít nước ở Đông Á và châu Á-Thái Bình Dương đang tham gia đồng thời vào cả ba tiến trình quan trọng sẽ hình thành trong khu vực vào năm 2015, đó là: (i) Việc hình thành cộng đồng ASEAN; (ii) việc hoàn tất tiến trình đám phán thiết lập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); và (iii) việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) gồm 10 nước ASEAN, cộng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Điều này sẽ tạo ra "cú hích" biến đổi về chất trong tư duy hội nhập, cách thức hội nhập và kết quả hội nhập của Việt Nam.

Thứ ba, các khó khăn và thách thức kinh tế trong khu vực và trên thế giới không hẳn là những nguy cơ, mà còn giúp tạo ra sức ép bên ngoài cần thiết cho quá trình "tái cơ cấu", chuyển đổi mô hình phát triển, mô hình tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đã và đang theo đuổi.

Công bằng mà nói, thách thức và cơ hội luôn là hai mặt của một vấn đề, cùng nhau tồn tại song hành, và có thể chuyển hóa lẫn nhau trên con đường phát triển của Việt Nam. Nếu như chiến lược hội nhập của chúng ta trong thời gian tới được triển khai đúng hướng, chúng ta nắm bắt tốt các cơ hội về phát triển và hội nhập, chuyển hóa được các thách thức an ninh và kinh tế, chắc chắn Việt Nam sẽ có vị tri xứng đáng hơn trong khu vực và trên quốc tế.

TS. Hoàng Anh Tuấn
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao