Giao tiếp bằng xúc giác – Người Mỹ thường tránh điều này, trừ khi ôm, hôn, cầm tay nhau, gặp nhau, từ biệt nhau; người lớn thường chỉ có tiếp xúc bằng xúc giác trong trường hợp tình dục. Có một người đàn ông Nga, trong tình cảm tràn trề, thân mật để tay lên đùi người bạn đàn ông Mỹ thì người Mỹ giật bắn mình lên. Thường hai người Mỹ không nắm tay nhau thân mật. Đàn ông có thể vỗ lưng nhau, bóp chặt tay nhau, nhưng tránh va chạm da thịt để có thể nhắc nhở tình dục. Trong khi nói chuyện, bao giờ cũng xa nhau một sải tay, trừ khi khá thân mật; người ta tránh phả hơi thở vào mặt người tiếp chuyện.
Trò chuyện - Để tăng tính chất khẳng định, người Mỹ thường nói khá to, ít nhất là to hơn người Thái và người Malaysia. Những người không biết tính họ nhiều khi tưởng họ tức giận gì. Người Mỹ dễ chấp nhận sự tức giận hơn người châu Á, nhất là khi tức giận có lý do. Dĩ nhiên khi tức giận đến mức mất tự chủ thì cũng không được coi là điều hay. Nói chuyện phải nhìn thẳng vào mắt người đối thoại, nếu không sẽ bị coi là không ngay thẳng; mặc dù sau vài giây lại phải nhìn đi nơi khác cho đỡ căng.
Nghi thức xã giao – Mỹ là một quốc gia trẻ không có môi trường lịch sử - xã hội lâu dài. Do đó, công thức xã giao không quan trọng như các nước khác. Xã giao quá đáng ở Mỹ có thể coi là phản dân chủ, nhất là xã giao phân biệt giai cấp. Ít để ý đến nghi thức xã giao khiến cho vấn đề hòa đồng dân tộc dễ dàng, người Mỹ cũng dễ tha thứ cho người nước ngoài sự vụng về xã giao. Chỉ có lá cờ Mỹ là thiêng liêng trong sinh hoạt cộng đồng; nhưng pháp luật cũng bảo vệ cả quyền không tôn trọng lá cờ ấy.
Lễ phép - Người nước ngoài nhận thấy người Mỹ tuy không hình thức nhưng lại lễ phép. Cảm tưởng ấy có thể do những từ cửa miệng: “Thank you” (Cảm ơn), "Please" (Làm ơn), hoặc do thái độ tôn trọng người nước ngoài. Người Mỹ chướng tai khi thấy người khác xẵng giọng với người phục vụ. Đối với họ, cần tôn trọng người hầu bàn hay bất cứ người đầy tớ nào, có thái độ đối với họ như đối với bác sĩ hay thượng nghị sĩ. Đánh giá về sự lễ phép Mỹ cũng tùy dân tộc: người Nhật thì cho là người Mỹ thô lỗ, phân biệt đối xử, trong khi ứng xử người Mỹ chỉ là ở mức bình thường. Địa phương cũng khác nhau: dân New York có tiếng là thô lỗ, nhưng có khi lại giúp đỡ mọi người. Nói chung, người Mỹ lễ độ ở nơi công cộng hơn ở nhà.
Thập kỷ 60 – Những năm 60 là những năm chống lại lễ phép, cho xã giao là giả đạo đức. Khách đến, thanh niên ngồi lì không đứng dậy, mắt vẫn dán vào TV, vẫy tay bâng quơ, lảu nhảu câu chào “Hiya”. Làm vậy để có vẻ bình dân, không giả đạo đức. Các vị bố mẹ dạy con cái theo tinh thần thập kỷ 60 nay đang phải xét lại vấn đề. Hiện đã phải mở những lớp dạy lễ phép cho người lớn. Dù sao, người ta cũng không còn khinh lễ phép nữa.
Điều cấm kỵ - Không được nấc, trung tiện, không được nhổ, ngay cả ở sân nhà mình. Không nhai kẹo gôm lép bép, mặc dù giai cấp thượng lưu có khi vẫn làm. Không nhìn trừng trừng một người không nói chuyện với mình. Lấy tay (mở bàn tay hay nắm tay) che mồm khi ngáp, ho hay hắt hơi; tốt nhất là nói thêm “Excuse me” (Cảm ơn). Đừng huýt sáo với phụ nữ. Vào nhà, đàn ông phải bỏ mũ ra.
Thoải mái – Người Mỹ không thay đổi lời lẽ khi nói chuyện với người trên, lúc nào cũng có thể dùng tiếng lóng. Ăn mặc tự do. Họ ngồi thoải mái trên ghế, tựa vai vào tường, ghếch chân lên bàn làm việc.
Nhưng cũng có giới hạn. Ở nhà thờ thì phải ngồi thẳng, nói với thẩm phán không được dùng tiếng lóng. Thủ tướng vào phòng nhân viên mà ngồi ghếch chân lên bàn làm việc là biểu lộ sự thân mật bình đẳng; nhưng nếu nhân viên làm như vậy là quá trớn. Khi giáo viên bảo học trò gọi mình thân mật, như "Call me Janet" (Cứ gọi tên tôi là Gianit) nhưng không phải là học sinh có thể suồng sã. Có nhà nghiên cứu nhận xét người Mỹ ngược với người Nhật: người Mỹ tiếp xúc bề ngoài rất “mở”, thoải mái thân mật, nhưng bên trong lại “khép kín”.
Nhà cửa họ lau chùi cẩn thận, ăn tối đúng18h không tiếp người lạ...Thoải mái không phù hợp với tâm lý Mỹ; tin vào tiến bộ, hành động có lợi, triết lý thực dụng, do đời sống căng thẳng. Hễ ngồi im một chỗ là họ ngứa ngáy chân tay. Một nhóm nhà báo Italy sống theo kịp độ hối hả ở Mỹ trong sáu tháng, họ than vãn: “Trời ơi, chúng tôi không hiểu người Mỹ có thể cứ kéo dài mãi những hoạt động không ngừng như thế”.
Một Hoa kiều ở Mỹ tâm sự: “Trước kia, tôi không hiểu được sự quan trọng của kì nghỉ cuối tuần. Công việc vất vả quá, hết hạn nọ đến hạn kia!”
Lao động đã căng thẳng, nghỉ ngơi cũng căng thẳng. Có người Mỹ muốn du lịch 14 nước châu Âu trong 14 ngày, mỗi ngày một nước. Ngoài giờ làm việc chính thức thì theo học lớp buổi tối, đi nghe nói chuyện, tham gia dạy lớp trẻ con, hoạt động hướng đạo sinh,.. Cuối tuần: thể thao, cắm trại, sửa sang nhà cửa. Khi căng thẳng mệt nhoài thì lại dự các lớp chống căng thẳng, yoga... Những người không thể thư giãn (relaxing) được thì tìm đến ma túy; kể cả TV (boob-tube) cũng là một thứ ma túy. Tắm nóng trong thùng ở các gia đình, làm theo kiểu Nhật, cũng là cách “thư giãn”. Bốn năm người có thể cùng ngồi trong một thùng; nếu bạn được mời tắm nóng trong thùng ở một nhà nào đó, thì nhớ mang theo, nếu họ tắm truồng hay có mặc áo tắm thì cứ làm theo họ.