📞

Từng có nước trên Sao Hỏa?

18:09 | 21/12/2015
Curiosity của NASA đang hoạt động trên bề mặt Sao Hỏa đã tìm thấy một lượng lớn silica và khoáng chất tridymite cho thấy khả năng từng có nước trên hành tinh này.

Xe tự hành Curiosity đâng hoạt động ở khu vực núi Sharp trên Sao Hỏa. (Nguồn: NASA)

Sau hơn ba năm thám hiểm Hỏa tinh, xe thám hiểm tự hành Curiosity đã có một số khám phá thú vị giúp các nhà khoa học chắp nối thông tin với nhau để hiểu nước đã hình thành, di chuyển, và sau đó, hoặc bị đóng băng hoặc biến mất khỏi Hỏa tinh như thế nào?

Chiếc xe tự hành được trang bị tia laser, máy ảnh và các thiết bị dò này lần đầu tiên tìm thấy silica hóa đá, một loại khoáng chất bao gồm silicon và oxy. Ở Trái Đất, chất này thường lắng đọng do nước.

Jens Frydenvang, một nhà địa chất-thiên văn học tại phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos ở bang New Mexico cho biết: "Trên Trái Đất, tất cả các môi trường nơi chúng tôi tìm thấy loại silica này đòi hỏi phải có nước " - ông giải thích. "Thường thì đó cũng là một môi trường rất tốt để tìm kiếm sự sống của vi sinh vật”.

NASA cho biết một số loại silica mà Curiosity tìm thấy trên Hỏa tinh nằm bên trong khoáng vật tridymite, một loại khoáng vật rất hiếm ở Trái Đất và chưa bao giờ được tìm thấy ở Hỏa tinh trước đây.

Theo các nhà khoa học, ở Trái Đất, các khoáng chất này có thể được tìm thấy trong các tảng đá giàu chất silica do núi lửa phun trào ra, vì vậy việc phát hiện ra tridymite có thể là bằng chứng cho sự hoạt động của núi lửa ở Hỏa tinh. Hoặc có thể tridymite được hình thành bởi một quá trình khác trên Hành tinh Đỏ.

"Chúng tôi có thể giải quyết điều này bằng cách xác định liệu trydymite trong lớp trầm tích có nguồn gốc từ núi lửa hoặc có nguồn gốc khác," Elizabeth Rampe, một nhà địa chất hành tinh tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston cho biết.

Suốt bảy tháng qua, xe tự hành Curiosity đã khảo sát qua một khu vực mà các nhà khoa học đặt tên là Đèo Marias, gần chân một ngọn núi có tên là núi Sắc (Sharp). Nó tìm thấy ở đó 2 tầng đất đá chồng lên nhau: một lớp cũ gồm đá và bùn, được một lớp đá sa thạch mới hơn bao trùm lên. Curiosity sử dụng tia laser để xác định thành phần của các loại đá ở đó, phát hiện chúng có hơn 90% là silica.

Curiosity đã nghiên cứu các lớp địa chất của núi Sharp kể từ năm 2014, sau hai năm thám hiểm các đồng bằng xung quanh núi và từng  phát hiện ra rằng các hồ đã tồn tại ở khu vực này hàng tỷ năm trước đây có thể đã từng hỗ trợ sự sống.