Phụ nữ Tunisia đi bỏ phiếu tại Thủ đô Tunis, ngày 21/12/2014. |
Ngày 21/12, hơn 5 triệu người dân Tunisia đã đi bỏ phiếu bầu cử Tổng thống vòng hai để quyết định giữa Tổng thống mãn nhiệm Moncef Marzouki hay ông Beji Caid Essebsi, Chủ tịch đảng Nidaa Tounes, sẽ trở thành người lãnh đạo đất nước. Đây cũng là lần đầu tiên người dân đất nước Bắc Phi này được tự do đi bầu cử kể từ khi Tunisia giành độc lập từ Pháp năm 1956.
Ưu tiên ổn định đất nước
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, ông Essebsi, chính trị gia lão thành, người đã từng là Ngoại trưởng, Thủ tướng, chiếm thế đa số với 55,68% phiếu bầu, trong khi đối thủ Marzouki chỉ được 44,32% số phiếu ủng hộ. Như vậy, ông Essebsi đã có một "chiến thắng kép" khi đảng của ông này cũng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Tunisia diễn ra cách đây chưa đầy hai tháng.
Phát biểu tại Thủ đô Tunis, ông Essebsi cảm ơn những người ủng hộ cũng như hoan nghênh sự hợp tác của ông Marzouki trong thời gian tới. Thừa nhận thất bại, ông Marzouki chúc mừng chiến thắng của ông Essebsi, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với tân Tổng thống vì lợi ích chung của đất nước.
"Ổn định đất nước là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, vì vậy chúng tôi cần sớm thiết lập một Chính phủ thống nhất để làm việc và giải quyết các vấn đề khó khăn", ông Essebsi khẳng định. Bên cạnh đó, vị tân Tổng thống cũng kêu gọi người dân, đặc biệt là ở khu vực miền Nam "tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử" và cần "nhìn về tương lai" trên tinh thần đoàn kết dân tộc.
Về phía người dân Tunisia, "đây là một sự kiện trọng đại của đất nước, một bước đi quan trọng để tiến tới dân chủ. Tôi cảm thấy tự hào khi được tham gia vào thời khắc lịch sử này", cử tri Bechir Ghiloufi, một giám đốc ngân hàng ở Tunis nói trên báo The Guardian. Trong khi đó, ông Raja Gafsi, một người lao động bình dân cho rằng: "Đã đến lúc phải thiết lập các thể chế quản lý lâu dài và bền vững".
Chia rẽ sâu sắc
Đánh giá về cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua tại Tunisia, Giáo sư Đại học Princeton (Mỹ) Carl Brown cho rằng, Tunisia đã có "cuộc chuyển tiếp êm thấm và ít đổ máu nhất" trong thế giới Ả rập. Ba năm trước, vụ tự thiêu của người bán hàng rong Mohammed Bouazizi đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân Tunisia về sự hà khắc, chuyên quyền của chế độ Ben Ali. Như một hiệu ứng dây chuyền, sự kiện này đã đưa đến các cuộc biểu tình rộng khắp, “quét” phăng chế độ Ben Ali vào mùa xuân 2011, đồng thời trở thành nguồn cảm hứng cho các cuộc nổi dậy khác trong khu vực.
Từ đó đến nay, Tunisia đã nỗ lực thực hiện nhiều cải cách chính trị nhằm đưa đất nước trở lại ổn định sau nhiều năm bất ổn, trong đó việc bầu cử Tổng thống mới được đánh giá là bước đi cuối cùng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, những ngày sắp tới của ông Essebsi được dự báo sẽ không hề dễ dàng khi những chia rẽ sâu sắc vẫn hiện hữu trong đời sống chính trị - xã hội Tunisia.
Trong cuộc vận động bầu cử vừa qua, ông Essebsi chủ yếu kêu gọi sự hợp tác từ những phe phái thế tục và tự do, tiến bộ hơn trong xã hội Tunisia trong khi đối thủ Marzouki lại tranh thủ sự ủng hộ từ các khu vực nông thôn vốn có tư tưởng Hồi giáo bảo thủ.
Trên thực tế, đảng Nidaa Tounes của ông Essebsi là một tập hợp phức tạp các chính trị gia cánh tả, các chủ nghiệp đoàn, doanh nhân và các cựu quan chức của chế độ cũ… Những thành phần này có mục tiêu lợi ích riêng song có chung quan điểm bài xích chủ nghĩa Hồi giáo chính trị (Islamism), trong khi Tunisia là một quốc gia có phần đông dân số theo đạo Hồi. Vì vậy, ngay sau khi ông Essebsi tuyên bố chiến thắng, hàng trăm người Hồi giáo ở thành phố Hamma, miền Nam Tunisia, đã đồng loạt xuống đường phản đối kết quả bầu cử.
Theo nhận định của Tiến sĩ Nourredine Jebnoun (Đại học Georgetown - Mỹ) trên mạng al-Jazeera, người dân Tunisia đang lo ngại việc kiểm soát quyền lực ở cả Chính phủ và Quốc hội của ông Essebsi có thể sẽ đẩy đất nước quay trở lại giai đoạn tối tăm, hà khắc như thời Ben Ali trước đây. Trong khi đó, Jebnoun cho rằng, những nền móng cho dân chủ tại Tunisia hiện vẫn chưa vững chắc, khi người dân chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi hợp pháp của mình, các tổ chức dân sự hoạt động yếu kém và tầng lớp thanh niên không còn nhiệt huyết đấu tranh như hồi cao trào "Mùa xuân Ả rập".
Vì những lý do trên, trong một báo cáo mới xuất bản, Michael Ayari, Giám đốc Nhóm Khủng hoảng quốc tế tại Tunisia cảnh báo, nền dân chủ, ổn định của nước này rất mong manh. "Người thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống cần phải cân bằng quyền lực của Chính phủ và Quốc hội nhằm giải quyết những lo lắng chính đáng của nhân dân và hàn gắn đất nước", ông Ayari nhấn mạnh.
Quang Chinh