📞

Tunisia và "bóng ma" Mùa Xuân Arab

16:33 | 13/01/2018
Tunisia đã bước sang ngày hỗn loạn thứ ba, khiến cho đất nước này rung chuyển. Giới chức trách Tunisia cho biết hơn 600 người đã bị bắt trong tuần này khi kéo xuống đường biểu tình nhằm phản đối các biện pháp kinh tế khắc khổ của chính phủ.

Trong làn sóng "Mùa Xuân Arab" từng bùng phát ở quốc gia Bắc Phi này năm 2011 và sau đó lan rộng khắp khu vực, lật đổ nhiều nhà lãnh đạo độc tài, Tunisia được coi là một câu chuyện thành công hiếm hoi. Tuy nhiên, chính quyền nước này đã không thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến đói nghèo và thất nghiệp.

Tình trạng bạo lực tràn lan

Bộ Nội vụ Tunisia cho biết, ngày 10/1 vừa qua, cảnh sát đã bắt giữ 328 người vì tội trộm cắp, cướp bóc, đốt phá và chặn đường. Trước đó 2 ngày, họ đã bắt giữ hơn 280 người. Bất ổn mới đây nhất là việc một đồn cảnh sát ở thị trấn Thala phía Bắc Tunisia bị thiêu rụi, “những người gây rối” ném bom xăng vào cảnh sát, còn cảnh sát đáp trả bằng việc xả hơi cay. Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Khalifa Chibani cho biết tình trạng “bạo lực” không còn dữ dội như những ngày trước.

Biểu tình tại Tunisia diễn ra hôm 8/1, sau khi chính sách tăng thuế và vật giá có hiệu lực. (Nguồn: EPA)

Theo ông Chibani, có 22 thành viên của lực lượng an ninh bị thương, trong khi đó, số dân thường bị thương vong là không có. Hãng tin AFP cho biết, Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi nói rằng các đảng phái chính trị, các đoàn thể và tổ chức kinh doanh lớn sẽ gặp mặt vào ngày 13/1 để thảo luận về tình hình này.

Tunisia thường được coi là có một quá trình chuyển đổi tương đối suôn sẻ kể từ cuộc nổi dậy năm 2011, lật đổ nhà độc tài Zine El Abidine Ben Ali đã cai trị đất nước suốt một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, kể từ đầu năm nay, người dân Tunisia tỏ ra thất vọng về các biện pháp kinh tế khắc khổ mà chính phủ áp dụng, được cho là sẽ khiến giá cả leo thang hơn nữa tại một nền kinh tế đang gặp khó khăn như Tunisia. Nhiều người Tunisia, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp lao động sống tại các thị trấn, lo ngại chính phủ đang trượt dần vào cách quản lý độc tài.

Người dân cũng cảm thấy bị bỏ rơi và tức giận khi chính phủ nói rằng việc giá cả tăng cao là điều cần thiết để cải thiện nền kinh tế đang gặp khó khăn và giúp nước này có đủ điều kiện để nhận viện trợ nước ngoài. Nước này đã đột ngột tăng thuế giá trị gia tăng và những đóng góp cho xã hội. Nhà khoa học chính trị Olfa Lamloum gọi những biện pháp này là “giọt nước làm tràn ly". Bà nói: "Những người trẻ tuổi đang thất vọng với cuộc cách mạng này, đặc biệt là bởi chi phí sinh hoạt tăng quá cao”.

Bà Lamloum đã chỉ ra "những bất bình đẳng xã hội sâu sắc", với những con số chính thức cho thấy tình trạng đói nghèo, thất nghiệp và mù chữ tại đây đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới trẻ. Theo hãng tin Reuters, giá nhiên liệu và một số hàng hóa cũng như dịch vụ tăng cao từ ngày 1/1/2018. Ngân sách năm 2018 cũng gia tăng thuế hải quan đối với một số mặt hàng nhập khẩu, còn chính phủ đang cố gắng cắt giảm tiền lương ở những bộ phận công cộng.

Nhiều vấn đề nhức nhối

Cuộc nổi dậy năm 2011 và các cuộc tấn công chết người của lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Tunis và Sousse năm 2015 đã làm tổn hại đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài và du lịch, chiếm 8% hoạt động kinh tế của Tunisia. Viện Thống kê Quốc gia của Tunisia cho biết, thâm hụt thương mại ở nước này trong tháng 12/2017 đã tăng lên mức kỷ lục là 6.25 tỉ USD. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc vượt quá 15%, và ngày càng nhiều khu vực bị gạt ra khỏi sự phát triển của xã hội.

Đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát chống bạo động Tunisia ngày 12/1. (Nguồn: Reuters)

Hôm 11/1, các nhà phân tích xung đột thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) đã lên tiếng cảnh báo tầng lớp chính trị Tunisia phải chống lại "cám dỗ độc tài". Mặc dù các chính trị gia còn lâu mới có thể kìm lại được tham vọng cải cách, song ICG nói rằng "trong bối cảnh nền kinh tế tụt dốc, sự luyến tiếc về một nhà nước mạnh mẽ, giống như của chế độ cũ đã bảo vệ, đang lan rộng".

Theo các phương tiện truyền thông, tại một số khu vực, dịch vụ đường sắt đã bị đình trệ sau khi “những người gây rối” tấn công một xe lửa ở thành phố Tunis phía Nam nước này hôm 10/1. Các nhà hoạt động chống các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình lớn vào hôm 12/1. Đảng đối lập Mặt trận Nhân dân (PF), vốn bị các nhà chức trách cáo buộc ủng hộ những người nổi dậy, đã kêu gọi chính phủ “tìm giải pháp cho những người Tunisia trẻ tuổi”.

Giáo viên Fatma Ben Rezayel cho rằng "tầng lớp chính trị phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều này. Khu vực này hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề xã hội”. Bà lấy làm tiếc về thực tế rằng "những người trẻ thất nghiệp đang cảm thấy chán đời vì cuộc sống nghèo khó của họ" lại bị chính quyền dán cho cái mác "tội phạm”.

Trong khi đó, theo hãng tin AP, hôm 11/1, Thủ tướng Tunisia Youssef Chahed lên tiếng cáo buộc các đối thủ chính trị và những tên trùm tham nhũng đã gây ra tình trạng bất ổn này. Ông nói: "Tôi muốn trấn tĩnh người Tunisia, nhà nước vẫn đang đứng vững và sẽ vượt qua được thời khắc khó khăn này". Mặc dù khẳng định tôn trọng quyền phản kháng trong hòa bình, song ông cũng hứa sẽ điều tra nghiêm ngặt các hành động bạo lực. 

(theo AFP, AP, Reuters )