TIN LIÊN QUAN | |
ECB sẽ "khai tử" đồng tiền mệnh giá 500 Euro vào ngày 27/1 | |
Kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm trong Quý II/2018 |
Dù đã được củng cố nhờ một số chính sách tiền tệ của châu Âu, nhưng vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, đồng Euro vẫn là “một người khổng lồ yếu ớt”.
Sinh nhật buồn?
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày đồng Euro ra đời (1/1/1999-1/1/2019), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã dành nhiều lời ca ngợi đồng tiền chung này, coi đây là "một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của EU".
Ngày 1/1/2019, châu Âu kỷ niệm 20 năm ngày đồng Euro ra đời. (Nguồn: Twitter) |
Phát biểu ngày 31/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jean-Claude Juncker đánh giá "đồng Euro đã trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, chủ quyền và sự ổn định".
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani nhận định đồng Euro ngày nay đã trở nên phố biến hơn với 3 trong 4 công dân châu Âu cho rằng, đồng tiền này mang lại lợi ích kinh tế. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh đến sự trưởng thành của đồng Euro sau 20 năm thăng trầm để giờ đây trở thành "biểu tượng sức mạnh của EU với tư cách là lực lượng kinh tế, chính trị trên thế giới" và bất chấp "cú sốc" của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đồng tiền này vẫn cho thấy sức sống bền bỉ.
Ra đời ngày 1/1/1999, đồng Euro ban đầu chỉ tồn tại như một dạng tiền ảo được sử dụng trong các giao dịch tài chính và kế toán. Ba năm sau đó, năm 2002, đồng tiền này mới chính thức được đưa vào lưu hành và sử dụng. Hiện có hơn 340 triệu người tại 19 nước thuộc EU đang sử dụng đồng Euro trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày dưới dạng tiền giấy và tiền xu.
Ở thời kỳ đầu, đồng tiền này đã không giành được thiện cảm của người dân châu Âu bởi sự xuất hiện của nó kéo theo tình trạng tăng giá ngoài mong muốn. Tại Đức, Euro thậm chí còn được nhắc đến với cái tên "Teuro" vốn được dùng để mô tả sự đắt đỏ.
Tuy nhiên, việc chi tiêu dễ dàng trong quá trình đi lại hay giao dịch thương mại xuyên biên giới mà không cần tiến hành chuyển đổi tiền tệ đã nhanh chóng giúp đồng tiền này có được "điểm cộng" trong lòng người dân châu Âu.
Cuộc khủng hoảng “trưởng thành” dài hơi và dữ dội
Tuy nhiên, theo AFP, dù đã được củng cố nhờ một số chính sách tiền tệ của châu Âu nhưng đồng Euro vẫn còn là “một người khổng lồ yếu ớt”.
Trong 10 năm đầu tiên, đồng Euro đạt được những thành công tức thì. Nhưng 10 năm kế tiếp, đồng Euro đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng “trưởng thành” dài hơi và dữ dội. Ngay giữa mùa Hè năm 2012, đồng Euro suýt bị cuốn trôi theo cuộc khủng hoảng nợ công có nguy cơ dẫn đến sự tan rã của hệ thống ngân hàng tại châu Âu.
Chính những sự kiện đó đã cho thấy những “khiếm khuyết ban đầu” trong quá trình hình thành đồng tiền chung Euro, đó chính là thiếu sự đoàn kết về ngân sách chung châu Âu thông qua biện pháp tương trợ nợ công, đầu tư. Bên cạnh đó là các rủi ro, cách biệt sâu sắc giữa các nền thị trường, thiếu một định chế cung cấp tín dụng trong trường hợp khẩn cấp khi một nước gặp khó khăn…
Nhằm ngăn chặn khu vực Eurozone bị tan rã, một loạt biện pháp đã được đề ra như thiết lập chương trình mua lại nợ công có điều kiện của một nước thông qua việc phát hành trái phiếu châu Âu, giảm lãi suất xuống mức thấp nhất… Tổng cộng trong giai đoạn này châu Âu đã phải mua lại 2.600 tỷ Euro nợ công. Cuộc khủng hoảng năm 2012 là "cơ hội" để châu Âu sửa chữa những điểm yếu đáng quan ngại nhất cho đồng tiền chung châu Âu và lập lại các luật lệ trong quản lý.
Mười chín quốc gia châu Âu vẫn chưa có được các công cụ cần thiết để đồng nhất các nền kinh tế hay đầu tư để ứng phó với các thách thức kinh tế. (Nguồn: Updatenewz) |
Trên bình diện chính trị, AFP lấy làm tiếc rằng châu Âu và các nước thành viên trong khối đã có rất ít các chính sách để điều chỉnh những khiếm khuyết ban đầu. Mười chín quốc gia vẫn chưa có được các công cụ cần thiết để đồng nhất các nền kinh tế hay đầu tư để ứng phó với các thách thức kinh tế. Trong dịp sinh nhật tròn tuổi 20 này, chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch Gilles Moec đã nhắc lại mục tiêu ban đầu khi cho ra đời đồng Euro. Trong những năm 1990, “điều quan trọng nhất đối với châu Âu trên bình diện kinh tế là cung cấp cho thị trường một đồng tiền duy nhất nhằm chấm dứt các biến động tỷ giá hối đoái giữa các nước thành viên và trên bình diện chính trị là giúp nước Đức thống nhất có cùng nhịp chèo với Tây Âu”.
Trớ trêu thay cũng chính nước Đức ngày nay là rào cản lớn nhất cho mọi ý định cải cách khu vực đồng Euro. Mọi giải pháp do Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Pháp và nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất để bình ổn khu vực đồng tiền chung đều gặp phải sự phản đối từ Berlin.
Niềm hy vọng
Đồng Euro vẫn còn có chút hy vọng trở nên lớn mạnh và bền vững hơn. Ngày nay, đồng Euro ngày càng được ưa chuộng hơn bất chấp tâm lý bài châu Âu và chủ nghĩa dân túy gia tăng tại nhiều nước. Theo khảo sát hồi tháng 11/2018 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), 74% công dân Eurozone cho rằng đồng Euro mang đến lợi ích cho EU, trong khi có 64% ý kiến cho rằng đồng tiền này mang đến lợi ích cho từng quốc gia thành viên. Hiện Euro là đơn vị tiền tệ được lưu hành phổ biến thứ hai thế giới, sau đồng bạc xanh của Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Nicolas Veron lạc quan cho rằng, với các biện pháp trong sạch hóa hệ thống ngân hàng, nợ công, cùng với chính sách của ECB, đồng Euro “kể từ giờ là người khổng lồ đứng trên đôi chân bằng gạch hơn là đất sét”.
Eurozone thông qua khoản cứu trợ 6,7 tỉ Euro cho Hy Lạp Ngày 22/1, bộ trưởng tài chính các nước Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đã thông qua gói cứu trợ 6,7 tỉ Euro cho ... |
Châu Âu cần được củng cố để đối phó với những thách thức của tương lai Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 19/1 có chuyến công du tới Paris và làm việc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để bàn về ... |
ECB tin tưởng vào các biện pháp can thiệp thị trường ECB tin rằng sự hỗ trợ dài hạn của ECB đối với nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ vượt qua ... |