Vậy là tượng đài của bóng đá Anh thời hiện đại, Wayne Rooney đã chính thức lần cuối cùng khoác trên mình chiếc áo Tam Sư trong sự nghiệp bóng đá đỉnh cao nhưng có phần chua chát của mình. Tuy phải vào sân từ băng ghế dự bị, một lần cuối, trong chiếc áo số 10 quen thuộc và tấm băng đội trưởng trên tay, anh vẫn ra sân giữa những tràng vỗ tay rợp trời của người hâm mộ bóng đá Anh.
Số 10 của ĐT Anh Wayne Rooney trong lần cuối cùng khoác áo Tam Sư. (Nguồn: Getty) |
Những bước chạy như có lửa
Những cậu nhóc thuộc thế hệ 2000 sẽ mong có thân hình như tạc tượng của Cristiano Ronaldo, cái chân trái thiên tài của Messi hoặc dáng vẻ ngạo nghễ của Ibrahimovic. Các bác trung niên thì vẫn khen về cú đảo chân của Ronaldinho hoặc đường cong chết người của Beckham.
Xa hơn nữa thì chắc hẳn các cụ vẫn coi Pele, Cruyff hay Maradona là những cầu thủ đáng mơ ước. Còn về phần tôi, gạt nhẹ chiếc kính, nhíu nhẹ lông mày, tôi chợt như lại thấy một bóng áo số 10, dáng vẻ hơi cục mịch nhưng những bước chạy lại như có lửa ở khắp mặt sân. Phải rồi, tôi cũng mong muốn, mong muốn thanh xuân của mình sẽ dài như cái tên Wayne Rooney…
Ở tuổi 17 bạn có gì? Ngoài một trái tim đầy lửa nhiệt huyết và một cái đầu thiếu kinh nghiệm nhưng thừa độ liều? Và bạn có dám sống thật để không hoài phí ngọn lửa ấy? Rooney chắc không cần một giây suy nghĩ để nói “có”.
Ở tuổi 17, Rooney như một con thú ngoài sân cỏ, như một ngọn lửa luôn hừng hực thiêu cháy mọi đối thủ. Đối mặt với một Arsenal bất bại, Rooney không hề sợ sệt “nã” thẳng một cú rocket tràn đầy năng lượng và cảm hứng của tuổi trẻ. 18 tuổi, anh chuyển sang một trong những CLB lớn nhất thế giới và ghi hat-trick tại trận ra mắt Champions League.
21 tuổi, “Wazza” tham dự giải đấu lớn nhất thế giới World Cup với chiếc thẻ đỏ, sau khi chút nữa nói chuyện bằng nắm đấm với chính đồng đội Ronaldo ở CLB. Trở lại giải quốc nội với chiếc thẻ vàng sau khi sút vào chân đối phương vì trò câu giờ, để rồi chỉ 2’ sau cả sân vận động nổ tung với cú “đóng gạch” từ khoảng cách hơn 30m vào lưới Newcastle.
Thẻ đỏ cho Rooney là điều chẳng lạ lẫm gì hồi cầu thủ này còn trẻ. (Nguồn: Mirror) |
Mọi người chê bai, dè bỉu anh như là một cầu thủ không chịu lớn, có tài mà lắm tật nhưng đối với tôi đó mới là anh – một người trẻ đúng nghĩa, với huyết quản luôn tràn ngập dòng máu nóng, muốn khẳng định bản thân bằng chính tài năng và cá tính của mình.
Người hâm mộ kêu gào anh phải thay đổi, anh đáp trả bằng án phạt cấm thi đấu 2 trận vì vỗ tay chế giễu trọng tài. Anh là một "con Quỷ" thật sự, vì sự nhiệt huyết và dòng máu nóng như lửa, chứ không phải vì sự xảo trá che giấu đi tính cách thật sự, hay những tiểu xảo vốn đầy rẫy trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp.
Cuộc chia tay thầm lặng
Khi con người ta có tuổi, chúng ta sẽ bắt đầu lười biếng, sử dụng những phương pháp để thay thế cho sự già nua của cơ thể đồng thời biết che giấu đi những cảm xúc thật của mình để đạt được mục tiêu. Và liệu Rooney có thế không? Không, anh vẫn chạy, chạy như tuổi thanh xuân của anh vẫn chưa cháy hết, anh vẫn sẵn sàng chửi thề ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi ghi bàn quyết định.
Người ta nói anh là ngu ngốc, nhưng chẳng phải chúng ta luôn cảm thấy bản thân yếu đuối mỗi khi phải mỉm cười sau khi sếp quát tháo? Và mấy ai có đủ khả năng để thể hiện giống như Rooney.
Phong cách thi đấu của Rooney vẫn đầy mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết, đầy quyết tâm kể cả khi đã phải chuyển sang Mỹ để tận hưởng nốt những giây phút cuối cùng của sự nghiệp.
Dường như Wayne không có bất cứ nỗi sợ hãi nào trên sân, anh chỉ sợ một ngày ngồi trước gương, phải đeo lên chiếc mặt nạ mỗi lần lên tuyển (không phải Messi) hoặc phải mềm yếu, giả tạo để bảo vệ bản thân (không phải Neymar). Ronaldo, Tevez, Berbatov, Van Persie… các cầu thủ cứ đến rồi đi, chỉ có những bước chạy và ngọn lửa trong cơn mưa của Rooney là dường như còn mãi.
Màn ăn mừng "boxing" đầy nhiệt huyết của Rooney những năm sau này. (Nguồn: BPI) |
Nhưng rồi thời gian với sức mạnh bất khả xâm phạm vẫn chầm chậm chạm tới Rooney, những pha bóng máu lửa của anh cứ nguội dần, các bước chạy cũng ít dần đi. Tôi chợt trở nên quay quắt, khi một Rooney điềm đạm, hiền lành và mẫu mực mà người hâm mộ hằng mong chờ đã xuất hiện, nhưng chả còn những pha bóng bùng nổ nữa, không còn những lời quát tháo như muốn thổi tung cả đồng đội.
Anh ở đó, lặng lẽ như một điểm neo cho con thuyền Manchester United dựa vào để vượt qua khó khăn, nhạt nhòa giữa những người đồng đội trẻ, lạc lõng giữa những thay đổi chiến thuật đầy tốc độ.
Và rồi anh ra đi, chẳng hề ầm ĩ. Ronaldo còn mãi bật khóc về quả sút trượt penalty suýt khiến M.U chết hụt trong trận chung kết Champions League năm 2008, Messi thì mãi đau đáu về món nợ với đội tuyển quốc gia, còn Rooney thì không, anh có những thất bại, có những dang dở nhưng không hề có chỗ cho sự nuối tiếc.
Anh đã cháy, đã cống hiến hết mình, với thanh xuân và con tim luôn hừng hực tuổi trẻ. Anh đi, khi CLB đã không còn cần anh nữa, khi những con người như tôi lại bất chợt ngoái đầu, vội vàng tìm kiếm trong quá khứ, trong tuổi xuân của mình một hình ảnh số 10 đầy hoang dã, để ghi nhớ.