📞

Tương lai các Công ty chứng khoán thế nào?

15:22 | 19/03/2011
Rất có thể “hiện tượng" Công ty Cổ phần Chứng khoán Kim Long (KLS) thúc đẩy nhanh hơn cho một xu hướng mới, đối nghịch với “thời trang" thành lập Công ty chứng khoán (CTCK) cách đây 3 - 4 năm.
Ảnh minh họa

Trả lời cho câu hỏi của báo chí xung quanh sự kiện KLS tuyên bố ngày 19/3 tới sẽ xin ý kiến cổ đông ngừng hoạt động kinh doanh chứng khoán để bổ sung thêm một số ngành nghề kinh doanh mới và tập trung cho các hoạt động Đầu tư tài chính - nguồn vốn, Bất động sản... ông Hà Hoài Nam - Chủ tịch HĐQT KLS cho biết: "Chúng tôi không thoái lui, chúng tôi đang tiến công". Nhưng bất kể kết quả ra sao, nhưng khi cả thị trường đang trầm lắng dài ngày, chỉ một động thái nhỏ của KLS sẽ không đơn giản như một viên đá ném xuống hồ, mà có thể nó sẽ tạo nên "sóng".

Câu chuyện KLS

KLS hiện có khoảng 28.000 cổ đông, trong đó Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc nắm giữ xấp xỉ 5% vốn còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ. Hiện tại, KLS chủ yếu dựa vào mảng tự doanh, với danh mục đầu tư xấp xỉ 450 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 200 tỷ đồng. Hoạt động môi giới và bảo lãnh phát hành không những không mang lại nhiều lợi nhuận mà còn khiến chi phí hoạt động tăng cao.

Giải thích về lý do dự kiến thay đổi từ mô hình CTCK sang mô hình công ty đầu tư, ông Nam cho biết, để tạo ra 1 tỷ đồng doanh thu môi giới thì KLS phải sử dụng 1.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với tỷ suất doanh thu môi giới/vốn đầu tư là 0,1% - đây có lẽ là tỷ lệ thấp kỷ lục trong các ngành.

Trong khi đó, năm 2010, mảng kinh doanh chính của các CTCK là tự doanh với hai hướng "lướt sóng" trực tiếp trên sàn và tư vấn - môi giới đều không suôn sẻ. Thị trường chứng khoán thì trồi sụt yếu ớt, làn sóng các doanh nghiệp niêm yết nhanh chóng tan rã. Từ KLS đến các đối thủ của mình như SBS, VNDirect, Bảo Việt... đều chung một nỗi buồn. 1.000 tỷ đồng mà KLS huy động trong năm 2010 phải đem "nhờ vả" ngân hàng. Năm qua, KLS đã thực hiện hơn 64 hợp đồng tư vấn doanh nghiệp lớn nhỏ, tăng 20% so với năm 2009. Tuy doanh thu tăng 150%, nhưng thực tế thì chỉ đạt kết quả hơn 3,3 tỷ đồng.

Theo tính toán, lợi nhuận từ tự doanh chứng khoán phụ thuộc hoàn toàn vào trạng thái nóng lạnh của thị trường, mà bản thân KLS là một bằng chứng. Năm 2008, KLS lỗ hơn 347 tỷ đồng, năm 2009 lãi 352 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 173 tỷ đồng. Như vậy, 3 năm qua, KLS lỗ 168 tỷ đồng. Nhìn về tương lai, chiến lược mua thấp bán cao của các CTCK có vẻ sẽ không mấy hiệu quả, bởi sự cạnh tranh quá gay gắt hoặc bất lợi do quy mô so với các nhà đầu tư cá nhân.

Bức tranh tối màu

Theo nhiều nhận định, có kha khá CTCK đang đứng trước bài toán tồn tại hay thôi, giữ nguyên hay thay đổi trước khi sự đào thải tất yếu thực sự bắt đầu. Việc tự thừa nhận chạy theo một "trào lưu" bao giờ cũng khó khăn. Bởi vậy, sự dũng cảm đối mặt với thực tế của KLS được cho là "viên đá đầu tiên" chứ không chỉ là "viên đá duy nhất".

Đa số giới làm chứng khoán - những người đang nếm mật nằm gai, thông tỏ hậu trường, ủng hộ lãnh đạo KLS và cho đây là quyết định dũng cảm. Bởi trên thực tế, các CTCK đang cạnh tranh khốc liệt trong một thị trường chưa đủ lớn và nghèo nàn về các sản phẩm dịch vụ. Hiện có hơn 100 CTCK có nghiệp vụ môi giới, nhưng chỉ trên 2% thị phần thuộc về các CTCK hàng đầu mới có thể sống tàm tạm. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, KLS đã có các bước chạy chỗ khôn ngoan nhằm tránh việc siết chặt quản lý hoạt động của CTCK sắp tới (công bố danh mục đầu tư, tỷ lệ an toàn vốn...).

Hãy cùng làm một bài toán đơn giản. Theo thống kê từ HOSE và HNX, năm 2010, tổng giá trị giao dịch hai sàn xấp xỉ 621.000 tỷ đồng (trung bình 2493,9 tỷ đồng/ngày), giảm nhẹ so với mức 630.000 tỷ đồng trong năm 2009. Hiện nay, mức phí môi giới trung bình từ 0,2 - 0,25%/giao dịch. Như vậy, tổng doanh thu phí toàn thị trường trong năm qua ước từ 2.484 - 3.104 tỷ đồng. Chia con số này cho 105 CTCK đang hoạt động, ta có con số doanh thu môi giới trung bình từ 23,65 - 29,56 tỷ đồng/năm. Nhưng theo công bố thì 10 CTCK lớn nhất đã chiếm gần 50% thị phần, phần còn lại chia cho 95 CTCK khác. Như vậy, chưa kể nhiều khoản chi phí khác, hoạt động môi giới cũng chẳng béo bở gì. Ngay cả khi TTCK Việt Nam tăng trưởng tới 30% trong vòng 3 năm tới, thì miếng bánh môi giới chia cho 105 CTCK hiện nay vẫn còn nhỏ lắm.

Chưa biết quyết định nào khôn ngoan hơn, nhưng hiện tại nhiều CTCK đang có thu chưa đủ bù chi, nhưng vẫn sẵn sàng giảm phí xuống rất thấp hoặc miễn phí giao dịch để thu hút, giữ chân khách hàng bằng mọi giá. Về lâu dài, đây là một rào cản khó khăn cho một số CTCK đầu tư bài bản, hướng tới sự phát triển chuyên nghiệp.

Thùy Trang