📞

Tương lai sẽ không có kháng sinh?

13:00 | 05/03/2017
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc tại các cửa sông ở nước này đã dấy lên mối lo ngại về một tương lai thảm khốc: thế giới sẽ không có thuốc kháng sinh!

Kháng sinh dùng để chữa trị các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra, được coi là một trong những khám phá y học vĩ đại nhất mọi thời đại. Nhiều người đã được điều trị và sống sót nhờ kháng sinh. Tuy nhiên, thực trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan làm phát sinh những hậu quả nghiêm trọng. Giờ đây, vi khuẩn đã có khả năng tự biến đổi, hoặc sao chép kiểu gene kháng kháng sinh từ các loài vi khuẩn khác.

Ô nhiễm - môi trường lý tưởng

Con người càng sử dụng kháng sinh, vi khuẩn càng có khả năng kháng thuốc. Theo ước tính đến năm 2050, sẽ có khoảng 10 triệu người tử vong mỗi năm do mắc các bệnh truyền nhiễm mà không kháng sinh nào chữa nổi, còn nhiều hơn cả số ca tử vong vì ung thư.

Vấn đề đang trở nên nghiêm trọng đến mức mỗi người hiện nay đều mang gene chống kháng sinh, ít nhất là trong các khuẩn đường ruột của mình. Thực tế, các khuẩn này không gây ra bệnh tật nhưng mỗi khuẩn lại sở hữu một hoặc hai gene có khả năng kháng kháng sinh.

Các gene kháng kháng sinh có trong ruột người sẽ được thải ra ngoài theo quá trình bài tiết, từ đó gây ô nhiễm các dòng sông, suối và các khu vực chứa nước.

Trong một bài báo viết về vi sinh trong môi trường tự nhiên, nhóm tác giả Trung Quốc đến từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu ở nước này đã chứng minh được rằng các gene kháng kháng sinh đã trở thành chất gây ô nhiễm đáng kể tại các cửa sông, nơi nước sông đổ ra biển.

Theo nghiên cứu của họ, một số cửa sông ở Trung Quốc chứa tới 100 triệu gene kháng kháng sinh trên mỗi gram bùn, tức là lượng bùn chỉ to tương đương với đầu que diêm. Hiện tượng này chưa từng có cách đây 100 năm.

Các cửa sông được coi là các trạm lọc tự nhiên phân biệt giữa nước ngọt và nước biển. Chúng có xu hướng tích trữ các chất gây ô nhiễm, trong đó có cả các gene kháng kháng sinh. Thực trạng sẽ là: con người và vật nuôi nông nghiệp thải ra các gene kháng kháng sinh thông qua quá trình bài tiết. Đôi khi, chất thải được đổ trực tiếp ra sông và suối. Nhưng ngay cả khi chất thải đã được xử lý cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các gene kháng kháng sinh.

Mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi nhiều loại kháng sinh dùng để chữa bệnh cho người và vật nuôi không được cải tiến. Các phân tử này không dễ bị phân hủy, do đó chúng kết hợp với các chất tẩy rửa, kim loại nặng và các chất gây ô nhiễm khác được tìm thấy rất nhiều trong các đường ống nước đô thị. Điều đó có nghĩa là vi khuẩn trong hệ sinh thái tự nhiên sẽ gặp điều kiện rất thuận lợi nếu chúng thu nhận được các gene có tính kháng kim loại, kháng sinh và chất tẩy rửa. Và bằng cách đó, môi trường ô nhiễm của con người lại trở thành môi trường lý tưởng của vi khuẩn.

Khẩn trương phát triển công nghệ xử lý nước

Nước bị ô nhiễm sẽ trở thành nơi sản sinh ra các vi khuẩn có chứa rất nhiều các gene kháng kháng sinh. Các vi khuẩn như thế sẽ tập trung tại các cửa sông.

Vậy tại sao phải chú ý tới vấn đề này? Ông Yong-Shan Chen, nhà khoa học thuộc Viện Môi trường đô thị (Học viện Khoa học Trung Quốc) giải thích: Một số thực phẩm như tôm, hàu, cua và cá đều được đánh bắt từ các cửa sông. Thậm chí, một số loài còn ăn hoặc sống nhờ các chất cặn lắng xuống đáy sông, cũng tức là những vi khuẩn từ bùn sông có thể xâm nhập trực tiếp vào các nguồn thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày. Theo nghiên cứu, một số vi khuẩn còn sở hữu các gene kháng kháng sinh chưa từng xuất hiện từ trước tới nay.

Ông Chen cho hay, các gene kháng kháng sinh này còn có thể xâm nhập vào các loài vi khuẩn vốn trước đây từng vô hại đối với người và vật nuôi. Siêu vi khuẩn cũng từ đó mà xuất hiện.

Nhóm nghiên cứu tập trung khảo sát tại Trung Quốc bởi nơi đây thường sử dụng kháng sinh trong quá trình sản xuất vật nuôi chuyên canh. Thực trạng tại Trung Quốc chắc chắn sẽ cần giới khoa học khẩn trương vào cuộc hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy tất cả cửa sông dọc theo 4.000 km bờ biển của Trung Quốc đều có mức độ ô nhiễm gene kháng kháng sinh như nhau.

Ông Yi Zhao, thành viên của nhóm nghiên cứu cho rằng: cần phải sử dụng kháng sinh cẩn thận hơn, chỉ dùng thuốc để chữa các căn bệnh truyền nhiễm khó trị chứ không được sử dụng như là chất bổ sung trong thực phẩm. “Chúng ta cũng cần phải khẩn trương phát triển công nghệ xử lý nước có khả năng loại bỏ các chất tẩy rửa, kim loại, kháng sinh và gene kháng kháng sinh. Nếu không,  bạn sẽ chẳng còn cơ hội thưởng thức bữa hải sản thơm ngon trên biển nữa!”, ông Zhao nhấn mạnh.

(theo The Conversation)