Nhỏ Bình thường Lớn

Tưởng nhớ những nạn nhân vụ khủng bố ở Nauy

Ngày 22/7 vừa qua, các nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 22/7/2011 được tưởng niệm tại nhiều địa điểm trên khắp đất nước Na Uy. Tại Thủ đô Oslo, lễ tưởng niệm được tổ chức tại quảng trường sát trụ sở văn phòng Thủ tướng (nơi từng bị đánh bom ngày 22/7/2011) với sự có mặt của bà Thủ tướng Erna Solberg, các chính khách, quan chức chính phủ cùng nhiều đại diện cơ quan quốc tế, đoàn ngoại giao.
Thủ tướng Solberg chia buồn với gia đình và bạn bè của 77 nạn nhân thiệt mạng trong vụ 22/7.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Solberg đã chia buồn với gia đình và bạn bè của 77 nạn nhân thiệt mạng trong vụ 22/7 và cám ơn nguyên Thủ tướng Stoltenberg đã lãnh đạo đất nước ứng phó với vụ khủng bố. Bà Thủ tướng khẳng định, Na Uy phải nỗ lực tăng cường trang bị tốt hơn để sẵn sàng ứng phó với tình huống khủng hoảng; cần có lực lượng và sự chuẩn bị sẵn sàng tốt hơn để có thể ngăn ngừa và hạn chế tổn thương. Bà Solberg cũng nhấn mạnh, để chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực, nhân dân Na Uy phải “duy trì và xây dựng nên những phẩm chất quan trọng nhất của xã hội”.

“Chính sự tự tin sát cánh bên nhau của mọi người ở Na Uy là sức mạnh lớn nhất của chúng ta. Điều quan trọng là Na Uy phải là một xã hội cởi mở, hội nhập, nền dân chủ ngày cành phát triển và mạnh toàn diện trong tương lai”, bà nói.

Buổi trưa cùng ngày, lễ tưởng niệm tiếp tục được tổ chức tại Nhà thờ chính của Oslo, với sự tham dự của đại diện Hoàng gia Na Uy, quan khách và công chúng. Gia đình và bạn bè của nạn nhân tổ chức lễ tưởng niệm riêng trên đảo Utøya lúc 4 giờ chiều cùng ngày và đây là lần cuối cùng lễ tưởng niệm được tổ chức ở đảo Utøya, nơi xảy ra vụ bắn chết 69 người ngày 22/7/2011. Đảo này sẽ được tái thiết, và Đoàn Thanh niên Lao động (AUF) dự định tiếp tục bắt đầu tổ chức trại hè theo thường lệ vào năm 2015.

Quang cảnh buổi lễ và công chúng dự tưởng niệm.

Ba năm đã trôi qua kể từ vụ đánh bom ở trung tâm thành phố Oslo, cướp đi mạng sống của hàng chục người dân vô tội. Đa số họ là thanh niên trên đảo Utøya. Những người thiệt mạng đã ra đi vĩnh viễn. Những người sống sót và người thân của những người xấu số phải sống trên nỗi đau buồn, mất mát, giận dữ và sợ hãi. Họ cần sự giúp đỡ từ cộng đồng xã hội. Nhưng không có gì có thể bù đắp nổi sự mất mát của họ. Ông John Hestnesfjellet, Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ quốc gia cho nạn nhân vụ 22/7 viết trên trang mạng cá nhân rằng: “Các vết thương có thể lành, nhưng vết sẹo vẫn còn đó”.

Tại lễ tưởng niệm ở Oslo, anh Eskil Pedersen, người sống sót sau vụ xả súng ở đảo Utøya, hiện là Chủ tịch AUF, bày tỏ: “Nhiều cá nhân trong chúng ta phải sống với nỗi đau mất mát người thân. Hôm nay chúng ta nghĩ về họ, tưởng niệm họ - những người đã bị tước đoạt cuộc sống. Nhiều người có mặt ở Utøya đã may mắn trở lại cuộc sống hằng ngày. Nhưng chúng ta phải chia sẻ, giúp đỡ những người còn gặp khó khăn do hệ lụy của vụ 22/7/2011”.

Tưởng niệm ngày 22/7 kết nối tất cả mọi người lại. Vượt qua những sóng gió, Na Uy sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ các giá trị cơ bản của xã hội mình. Đó là sự đa dạng văn hóa mang tính cởi mở, khoan dung và một nền dân chủ tiên tiến bậc nhất thế giới. Đối với người Na Uy, hành động chính là cách để vinh danh những người đã khuất.

Thanh Bình (từ Na Uy)