Tham dự lễ tuyên dương có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và 520 đại biểu trong toàn quốc.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ tuyên dương. |
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Đảng ta luôn xác định công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng.
Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong mỗi bước đi của cách mạng Việt Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số cùng đồng bào chiến sĩ cả nước một lòng chung thuỷ sắt son theo Đảng và Bác Hồ, cống hiến công sức và xương máu trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Lịch sử dân tộc mãi mãi ghi nhớ các chiến công hiển hách của đồng bào các dân tộc ta gắn liền với các địa danh lịch sử như Bắc Sơn, Tân Trào, Điện Biên Phủ, Buôn Ma Thuột, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Ngày nay, trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng đồng bào cả nước, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ.
Với truyền thống cách mạng và phong trào thi đua yêu nước của đồng bào, được hội tụ và thể hiện sinh động trong lễ tuyên dương hôm nay đã làm chúng ta thực sự xúc động trước những tấm gương tiêu biểu của đồng bào các dân tộc vượt qua bao khó khăn, gian khổ để cống hiến cho đất nước.
Qua các tấm gương điển hình hôm nay có thể khẳng định, người có uy tín có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các ban, ngành, đoàn thể, là cơ sở để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, là kênh thông tin quan trọng góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động đồng bào nêu cao tinh thần cảnh giác, chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, cung cấp thông tin có giá trị giúp cho Đảng, chính quyền địa phương nắm được tình hình nơi dân tộc cư trú.
Đội ngũ nhân sĩ trí thức đã và đang có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, là lực lượng nòng cốt tiên phong trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao dân trí, giáo dục lịch sử và truyền thống dân tộc, giữ gìn bản sắc, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, văn học nghệ thuật, lễ hội truyền thống và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đội ngũ doanh nghiệp có mặt trong mọi mặt của đời sống, tạo công ăn việc làm và chăm lo trực tiếp cho đời sống của người lao động, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá cho đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tham gia tích cực vào các hoạt động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
“Với sự đóng góp của người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân, cộng đồng các dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực, đời sống văn hoá đã được nâng cao một bước, văn hoá truyền thống được tôn trọng và bảo tồn, phát huy. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đang được tiếp cận. Công tác vận động nhân dân đang phát huy vai trò của người có uy tín được chú trọng. Bình đẳng giới từng bước được tạo lập giúp người phụ nữ nâng cao nhận thức vươn lên, phát huy vai trò của bản thân trong gia đình và xã hội.
Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo tiền đề cho quá trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, rút ngắn trình độ phát triển giữa các vùng miền trong cả nước, thực hiện công bằng xã hội, củng cố niềm tin cho đồng bào các dân tộc vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.
Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận đóng góp to lớn, sự nỗ lực thi đua học tập, lao động, phát triển kinh tế cùng xây dựng đời sống văn minh no ấm trong cộng đồng các dân tộc, từng bước làm thay da đổi thịt trong cộng đồng các dân tộc, góp phần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng Tương Hòa Bình trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các điển hình tiên tiến. |
Phó Thủ tướng khẳng định: Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đồng bào các dân tộc có nhiều cố gắng, vươn lên. Nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên vùng đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo trong đồng bào còn cao, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống. Nhiều tiềm năng lợi thế của địa phương, vùng miền chưa được khai thác, phát huy đúng mức.
Hoạt động văn hóa, trình độ dân trí còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả giáo dục chưa cao, hệ thống y tế còn bất cập nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Năng lực trình độ của cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn yếu. Nhiều vấn đề bức xúc trong đồng bào còn chậm được giải quyết. Các tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn hiệu quả, an ninh trật tự còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định.
Thông qua lễ tuyên dương hôm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong muốn các đại biểu tiêu biểu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng đất nước. Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền tập trung đẩy mạnh phát triển vùng dân tộc thiểu số với tốc độ cao hơn bình quân chung cả nước; phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh và bền vững, ưu tiên giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.
Từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hoá, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm ổn định an ninh quốc phòng.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội với mục tiêu vùng dân tộc và miền núi có hệ thống công trình hạ tầng thiết yếu, đầy đủ, kiên cố, ngang bằng với mức trung bình của các vùng miền khác trong cả nước; không còn xã đặc biệt khó khăn, phấn đấu 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, phát triển các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông-lâm- ngư nghiệp; gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, khuyến khích đồng bào tự tin khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, xây dựng, sửa đổi; bổ sung các chính sách và tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực với vùng dân tộc thiểu số.
Đặc biệt là sự nghiệp giáo dục-đào tạo với việc chú trọng xây dựng các trường dân tộc nội trú, bán trú, dự bị đại học, dạy nghề cho con em đồng bào, nâng cao số lượng và chất lượng cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số. Phấn đấu để hầu hết đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ đời sống văn hóa, tiến bộ xã hội ngang bằng với mức trung bình các vùng miền khác.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện cho người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân người dân tộc thiểu số thực hiện tốt và phát huy vai trò của mình để xứng đáng với niềm tin yêu, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục nêu cao vai trò nòng cốt, luôn sáng mãi ngọn lửa nhiệt tình từ trái tim với nhiều việc làm thiết thực, có ý nghĩa, góp phần làm cho vườn hoa “người tốt, việc tốt” tỏa hương, khoe sắc vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Trước đó, Đoàn đại biểu người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tiếp và nói chuyện thân mật, thăm Đền thờ các Vua Hùng tại Phú Thọ, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, tham quan các di tích văn hóa, lịch sử ở Thủ đô Hà Nội.