📞

Tuyển VN có 'nguy cơ' toàn cầu thủ ngoại?

15:53 | 04/02/2009
Xu hướng “nội hóa ngoại binh” của V-League năm nay sẽ khiến các trận đấu trở nên hấp dẫn hơn.
Đoàn Nguyên Nirut – cầu thủ ngoại quốc tịch Việt mới nhất của V-League.

Một điểm lợi nữa là điều này sẽ tạo ra một môi trường nhiều tính cạnh tranh hơn, khiến các cầu thủ nội phải nỗ lực để hoàn thiện mình nhằm chạy đua vị trí đá chính với những cầu thủ ngoại, thay vì ỷ lại vào “hạn ngạch” ba ngoại binh + 8 nội binh.

Một phép tính đơn giản: một khoản “lót tay” trung bình để một cầu thủ ngoại chịu nhập quốc tịch Việt Nam chỉ vào khoảng 20.000 USD (khoảng 350 triệu đồng), trong khi đó, để đào tạo được một cầu thủ nội có chất lượng tương đương, người ta phải tốn thời gian và tiền bạc gấp nhiều lần, không thì họ cũng phải bỏ ra tiền tỷ để mua lại. Vậy nên các CLB sẽ dễ dàng “bỏ rơi” khâu đào tạo để chạy theo việc “nội địa hóa cầu thủ ngoại”, dù bóng đá Việt Nam đang trong tình trạng khan hiếm cầu thủ trẻ.

Mặt khác, sẽ chẳng phải là tương lai xa nếu một lúc nào đó, ĐTVN sẽ được xây dựng dựa trên bộ khung của những “ngoại binh” nhập tịch chẳng khác gì đội tuyển Singapore. Lúc ấy có thể chúng ta sẽ có một đội tuyển rất mạnh nhưng ai dám đảm bảo cái bản sắc, hay niềm tự hào về màu cờ sắc áo khi đoạt được một chức vô địch, vẫn nguyên vẹn như xưa?

Về vấn đề này cũng có khả nhiều luồng ý kiến khác nhau, “mở cửa” như Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn, hay ông cựu “trưởng giải” Dương Nghiệp Khôi thì cho rằng, đây là xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam và cả ở thế giới, nên chúng ta cần phải chấp nhận và coi đó là một cơ sở để phát triển bóng đá. Trong khi đó, cũng có ý kiến “dè dặt” như của HLV trưởng đội Olympic Mai Đức Chung: “Không cấm nhưng cần phải điều tiết lại”. Và tất nhiên cũng không thiếu những quan điểm phản đối xu hướng nhập tịch này. Chẳng hạn như ông Bùi Xuân Hòa, Tổng giám đốc Công ty thể thao SHB.Đà Nẵng cũng cho rằng: “Cuộc chạy đua nhập tịch cầu thủ ngoại chỉ gói gọn trong một vài đại gia. Các đội bóng nghèo chỉ ngồi nhìn. Điều đó nói lên rằng ít ai ủng hộ trào lưu nhập tịch ngoại binh”.

Năm 2004, Ludovic Casset với cái tên Việt là Mã Trí đã “mở hàng” cho việc các cầu thủ xin nhập quốc tịch Việt Nam. Nhưng cũng phải chờ đến ba năm sau, xu hướng nhập tịch cho các cầu thủ nước ngoài mới thực sự “nóng” ở làng bóng Việt sau trường hợp của Santos của Đồng Tâm.LA. Kể từ thời điểm Santos chính thức có quốc tịch Việt Nam vào cuối năm 2007, lợi thế của việc có thêm một ngoại binh thứ tư trong đội hình thi đấu của đội bóng vùng Long An tại V.League 2008, khiến nhiều CLB khác thấy rõ sự “thiệt thòi”. Thêm vào đó, khi mà giá chuyển nhượng và lương của các cầu thủ trong nước đang leo thang quá mức so với chất lượng thực, thì việc biến những cầu thủ ngoại có trình độ tương đương (thậm chí có thể hơn) thành “người mình” với mức lương thấp hơn mà lại không mất phí chuyển nhượng, là một giải pháp “ngon, bổ, rẻ”.

Vậy nên từ cuối năm 2008 trở lại đây, nhiều đội rục rịch lên kế hoạch, thuyết phục cầu thủ, chuẩn bị hồ sơ để nhập tịch cho các “ngoại binh”. Ở thời điểm hiện tại, ngoài Santos (Đồng Tâm.LA), Kesley Alves (B.Bình Dương), đã có thêm Nirut và Sakda (HAGL) là những cầu thủ ngoại có quốc tịch Việt Nam sẽ thi đấu tại V-League 2009. Nhưng dự kiến sắp tới số lượng “ngoại binh nội hóa” sẽ còn tăng lên nhiều khi Bình Dương vẫn tiếp tục “thu xếp” cho Philani, ĐT.LA “bảo lãnh” cho Issawa và Tshamala, HAGL đang cố lấy quốc tịch thứ hai cho Lee Nguyễn (theo Luật Quốc tịch mới) và K. Khánh Hòa đang “ngóng” trường hợp của Abbey. Thậm chí những CLB ở giải Hạng Nhất cũng vào cuộc như V.Ninh Bình đã làm xong thủ tục nhập tịch cho Mykola và Maxwell, còn Hòa Phát.HN đang “dọn đường” cho Amaobi.

Theo Đất Việt