📞

Nương theo dòng nước

10:19 | 07/03/2019
Căng thẳng bùng phát và leo thang giữa New Delhi và Islamabad sẽ chỉ có thể hạ nhiệt nếu Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Pakistan Imran Khan biết cách nương theo dòng chảy của chủ nghĩa dân tộc.

Hơn 2 tuần đã trôi qua kể từ khi tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) đánh bom tự sát bằng xe tại Kashmir khiến 44 người thiệt mạng, song căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ thì vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngày 27/2, Không quân Pakistan (PAF) đã bắn hạ 2 máy bay Ấn Độ thâm nhập không phận, đồng thời bắt giữ một phi công. Có nguồn tin cho biết đêm 28/2, trước khi phi công này được Islamabad trao trả lại cho phía New Delhi, Ấn Độ đã lên kế hoạch tấn công Pakistan bằng tên lửa chiến lược.

May mắn thay, kịch bản đó đã không xảy ra và việc viên phi công trở về Ấn Độ đã ít nhiều khiến căng thẳng hạ nhiệt. Ngày 4/3, hai bên đã nối lại dịch vụ đường sắt xuyên biên giới.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Pakistan Imran Khan. (Nguồn: Reuters)

Về phần mình, Pakistan cũng khẳng định sẽ vẫn gửi phái đoàn đến Ấn Độ theo đúng lịch trình ngày 14/3 để thảo luận dự thảo về việc mở cửa Hành lang Kartapur. Bộ Ngoại giao Pakistan cũng thông báo Cao ủy nước này tại Ấn Độ Sohail Mahmood sẽ trở lại New Delhi để tiếp tục công việc.

Tuy nhiên, điều đó chưa thể thay đổi thực tế rằng tiếng súng vẫn tiếp tục vang nơi biên giới Kashmir và phía Pakistan đã tố cáo tàu ngầm Ấn Độ cố gắng xâm nhập lãnh hải nước này.

Căng thẳng kéo dài là điều mà cả Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Pakistan Imran Khan không hề mong muốn, song tìm kiếm giải pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Chủ nghĩa dân tộc

Khó khăn đó chủ yếu đến từ chủ nghĩa dân tộc đang lên cao sau cuộc đánh bom và những màn đấu súng qua lại giữa các bên. Quan hệ Ấn Độ - Pakistan từ trước đến nay hiếm khi nào yên bình. Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, người có xu hướng cứng rắn với Pakistan, điều này lại càng được thể hiện rõ nét. Lập trường này đã ít nhiều giúp ông giành được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử 2014.

Tuy nhiên, trong năm 2018, mọi chuyện đã khác – cuộc bầu cử Nghị viện địa phương ngày 11/12/2018 đã chứng kiến thất bại nặng nề của đảng BJP cầm quyền và sự trở lại mạnh mẽ của đảng Quốc Đại (INC) dưới sự dẫn dắt của Rahul Gandhi. Chỉ còn hai tháng nữa là đến cuộc bầu cử Quốc hội then chốt và Thủ tướng Narendra Modi cần duy trì thái độ cứng rắn của mình, thể hiện uy thế của Ấn Độ trước Pakistan nhằm đảm bảo khả năng tiếp tục cầm quyền sau tháng Năm tới. Song cái giá của chiến tranh là không hề rẻ và nhiều khả năng một khi chứng minh được vị thế của mình, Ấn Độ sẽ có hành động “xuống thang”.

Pakistan cũng rơi vào tình thế khó khăn chẳng kém. Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối cung cấp hàng trăm triệu USD hỗ trợ an ninh do Islamabad thất bại trong việc kiềm chế các nhóm chiến binh tấn công lực lượng của Mỹ tại Pakistan. Dưới thời Thủ tướng Imran Khan, nền kinh tế của Pakistan đã ổn định trở lại và có dấu hiệu khởi sắc, song đây vẫn còn là một chặng đường dài.

Quan hệ với Mỹ sứt mẻ cũng buộc Pakistan phải phụ thuộc nhiều hơn vào hợp tác với Trung Quốc, cho dù điều đó đồng nghĩa với việc nước này phải cho thuê dài hạn một số cảng biển chiến lược như Gwadar. Quan hệ với New Delhi, đối tác quan trọng hàng đầu của Islamabad, cũng thường xuyên bị phủ bóng đen bởi những xung đột tôn giáo và tranh chấp quanh khu vực Kashmir. Đối mặt với động thái cô lập từ cả Mỹ và Ấn Độ, Pakistan sẽ khó có thể trụ vững và việc trao trả phi công Ấn Độ, nối lại hoạt động ngoại giao cho thấy Islamabad không muốn căng thẳng leo thang hơn nữa, nhằm cải thiện tốc độ phát triển của nền kinh tế và tiếp tục duy trì sự ủng hộ của người dân.

Thuyền và nước

Nước có thể nâng thuyền, cũng có thể lật thuyền. Đây là điều mà ông Narendra Modi, người đã dẫn dắt đảng BJP chiến thắng đảng INC trong cuộc bầu cử năm 2014 và ông Imran Khan, cựu tuyển thủ Cricket làm nên lịch sử, hiểu rõ hơn ai hết. Sự ủng hộ của người dân là yếu tố then chốt đưa họ trở thành người đứng đầu quốc gia.

Tuy nhiên, xung đột tôn giáo cùng tranh chấp biên giới tại khu vực Kashmir kéo dài đã khiến mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan luôn ở trong tình trạng căng thẳng, khiến mọi động thái gây xung đột, dù là lớn hay nhỏ, đều tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến đối đầu và khiến người dân hai nước có cái nhìn thiếu thiện cảm về nhau. Vụ đánh bom tự sát vừa qua tại Kashmir và hàng loạt đụng độ xảy ra ngay sau đó là minh chứng rõ nhất cho thực tế này.

Trong bối cảnh đó, điều mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Pakistan có thể làm là ngừng lập tức các xung đột, trấn an dân chúng và giải thích về nguy cơ chiến tranh cũng như lợi ích của hòa bình, nối lại các hoạt động liên lạc khẩn cấp, hạ nhiệt căng thẳng, bảo đảm an ninh khu vực biên giới và tiến tới xây dựng một mối quan hệ bền vững, thân thiện, vượt qua rào cản về sắc tộc hay biên giới lãnh thổ.