Một tòa nhà ở thành phố Izmail, Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Trên đường trở về từ Hội nghị thường niên của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko đăng trên Facebook cho biết, việc gặp trực tiếp các đối tác chính của Kiev tại Hội nghị đã giúp họ rút ngắn đáng kể các quy trình mà lẽ ra phải mất nhiều thời gian hơn thông qua email hoặc các cuộc họp trực tuyến.
“Đây là cơ hội tuyệt vời để mở rộng hợp tác và tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia mới”, ông Sergii Marchenko cho biết.
Nhìn chung, theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine, sự ủng hộ dành cho Kiev vẫn là "nhất trí, có sự đảm bảo về tài trợ, bao gồm cả từ EU và Mỹ - điều này đặc biệt quan trọng đối với Ukraine. Chúng tôi đã có thỏa thuận với Nhật Bản và Anh. Chúng tôi đang làm việc để biến những đảm bảo đó thành những cam kết cụ thể".
Tuy nhiên, vấn đề được Bộ trưởng Tài chính Sergii Marchenko tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Reuters là, Ukraine đang gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguồn hỗ trợ tài chính, khi sự quan tâm của các quan chức ở các nước tài trợ chủ chốt chuyển hướng về các cuộc bầu cử nội bộ sắp tới và căng thẳng địa chính trị gia tăng trên thế giới.
“Tôi nhận thấy rất nhiều sự mệt mỏi, thấy rất nhiều điểm yếu của các đối tác của chúng tôi, họ dường như muốn quên đi cuộc xung đột, nhưng thực tế nó vẫn đang tiếp diễn, trên quy mô toàn diện”, ông Marchenko nói bên lề Hội nghị của WTO và IMF tại Marrakech.
Do vậy, Ukraine hiện đang phải "nỗ lực gấp đôi để thuyết phục các đối tác hỗ trợ cho chúng tôi so với các cuộc họp thường niên trước đây" vào hồi tháng Tư.
Từ khi xung đột với Nga nổ ra, Ukraine cần đảm bảo nhận được hỗ trợ tài chính từ phương Tây để bù đắp khoản thiếu hụt ngân sách. Năm 2024, dự báo về những mối đe dọa và xung đột toàn diện, lâu dài nhu cầu hỗ trợ tài chính từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là chi tiêu xã hội và nhân đạo cho năm 2024 sẽ lên tới 42,9 tỷ USD.
Tuy nhiên, mục tiêu này của Kiev gặp thêm khó khăn khi các cuộc đàm phán trong tuần qua đã bị lu mờ bởi thế giới thêm điểm nóng tại Trung Đông - xung đột Hamas-Israel nổ ra ngay khi các đại biểu đang trên đường đến Hội nghị.
Ông Marchenko cho biết, "sự thay đổi địa chính trị và bối cảnh chính trị nội bộ ở các quốc gia khác nhau" đang làm giảm mong muốn hỗ trợ Ukraine của các chính phủ, đồng thời đề cập các cuộc bầu cử dự kiến ở Mỹ và Liên minh châu Âu vào năm tới.
Hiện Ukraine đã dành riêng các khoản thu thuế và quỹ bổ sung huy động từ nợ nội bộ, nhưng nước này vẫn sẽ phải phụ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài cho phần lớn các yêu cầu chi tiêu trong năm tới.
Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine, nước này đã nhận được một số cam kết, chẳng hạn như 5,4 tỷ USD từ chương trình IMF. Nhưng họ cũng đang mong đợi các cam kết từ Nhật Bản và Vương quốc Anh. Tất nhiên, bao gồm cả các đối tác và đồng minh chính là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
EU đang nghiên cứu gói trị giá 50 tỷ Euro (52,6 tỷ USD) hỗ trợ Ukraine từ năm 2024 đến năm 2027. Ông Marchenko cho biết, Kiev đang mong muốn nhận được 18 tỷ Euro trong số đó vào năm 2024, phù hợp với tiến trình hỗ trợ của gói này trong năm nay.
Bộ trưởng Marchenko cũng hoan nghênh những nỗ lực của phương Tây nhằm khai thác khối tài sản Nhà nước Nga bị đóng băng. Về tiến trình, theo nhận định của ông, “những gì trước đây chỉ mới gọi là "mục tiêu có thể đạt được" thì giờ đây đã "giống như một kế hoạch".
Ngoài ra, công cuộc kêu gọi tài trợ của Ukraine, còn liên quan tính minh bạch trong việc sử dụng nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế. Gần đây, Kiev luôn nhấn mạnh rằng, “tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng nguồn vốn từ các nhà tài trợ quốc tế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ và là tài sản quan trọng trong việc xây dựng quan hệ đối tác đáng tin cậy”. Theo đó, Bộ Tài chính Ukraine và dự án SOERA của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đang phối hợp nhằm tối ưu hóa và tăng cường hệ thống giám sát, xác minh và báo cáo của chính phủ Ukraine về việc sử dụng nguồn vốn tài trợ.
Kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu vào tháng 2/2022, Ukraine đã nhận được gần 33 tỷ USD từ các nước G7. Nguồn tiền quốc tế đã trở thành nguồn tài trợ chính trong việc đảm bảo cân bằng ngân sách nhà nước và cho các khoản chi tiêu quan trọng của quốc gia này.