Ukraine 'định đoạt' tài sản Nga bị phong tỏa, coi là nguồn tiền tái thiết chính; EU vẫn đắn đo với giải pháp an toàn. (Nguồn: Getty Images) |
Khoảng 300 tỷ Euro tài sản thuộc chủ quyền của Nga đã bị phong tỏa ở các nước đối tác và mục tiêu của Ukraine là giành được quyền tiếp cận chúng. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã đề cập điều này trong một bài đăng trên Telegram.
Ông Shmyhal thông báo, một cuộc họp đã được tổ chức về việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga với sự tham gia của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế và NBU.
“Chúng tôi đã thảo luận về kế hoạch hợp tác với G7, EU và Bỉ về khoảng 300 tỷ Euro tài sản thuộc chủ quyền của Nga đã bị phong tỏa ở các nước đối tác. Mục tiêu và quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng là - tiếp cận tất cả các tài sản này”, Thủ tướng Ukraine khẳng định.
Người đứng đầu chính phủ Ukraine lưu ý rằng, Kiev đang củng cố vị thế pháp lý của mình và chuẩn bị các cơ chế pháp lý cần thiết. Theo đó, chính phủ nước này đã có “kế hoạch hành động rõ ràng và đã có kết quả bước đầu”.
Hiện Kiev chưa tiết lộ làm thế nào để tiếp cận khoản tiền của nhà nước Nga bị phong tỏa, nhưng Thủ tướng Denys Shmyhal khẳng định: “Cùng với Ngân hàng thế giới (WB), chúng tôi ước tính quá trình phục hồi của Ukraine sẽ tiêu tốn ít nhất 486 tỷ USD và tài sản của Nga sẽ là nguồn phục hồi chính. Nga phải trả tiền và Nga sẽ trả tiền”.
Liên minh châu Âu, các nước G7 và Australia đã phong tỏa khoảng 282 tỷ USD tài sản của Nga dưới dạng chứng khoán và tiền mặt. Tất cả các bên hiện cho rằng, Nga sẽ không thể tiếp cận được những khoản tiền này trừ khi đồng ý giúp tái thiết Ukraine, nhưng hiện tại họ vẫn có các quan điểm khác nhau về tính hợp pháp của việc tịch thu toàn bộ số tài sản này.
Chẳng hạn, trong khi Mỹ vẫn đang tỏ ra nỗ lực tịch thu hoàn toàn tất cả tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga để tài trợ cho Ukraine, trong khi nguồn tài trợ lớn hơn vẫn đang bị đảng Cộng hòa chặn lại tại Hạ viện.
Trong khi đó, châu Âu hiện đang tiến gần hơn tới một 'Kế hoạch B' để sử dụng tiền của nhà nước Nga đang bị phong tỏa. Tuy nhiên, họ khá cẩn trọng với việc tịch thu toàn bộ khối tài sản này, do đó rất có thể sẽ lựa chọn cách tiếp cận tốt nhất mà vẫn có thể mang lại cho Ukraine hàng tỷ Euro mỗi năm.
Theo đó, một cách tiếp cận thực tế và an toàn duy nhất mà EU lựa chọn để sử dụng tiền của Nga tài trợ cho Ukraine là - khai thác một khoản tiền nhỏ hơn nhiều, chỉ bằng khoảng 1% số tiền bị đóng băng của Moscow.
Câu hỏi lớn khá nhạy cảm hiện nay là liệu số tiền tương đối nhỏ đó và còn có khả năng bị siết nhỏ hơn nữa, có thể cung cấp nguồn tài trợ liên tục và đáng kể cho Ukraine hay không?
Ukraine thực sự đang gặp rắc rối với nguồn tài chính. Trong khi hai đồng minh quan trọng là châu Âu và phương Tây đều chưa thực sự có giải pháp giúp họ giải quyết được vấn đề này. Chiến lược gia về tài sản Timothy Ash của RBC Bluebay Asset Management và thành viên Chatham House (một tổ chức tư vấn của Vương quốc Anh) tiết lộ, theo ước tính của, Kiev cần tới 100 tỷ Euro mỗi năm để đối đầu về quân sự với Nga và 50 tỷ Euro khác mỗi năm để tái thiết nền kinh tế.
Về mặt lý thuyết, số tiền lớn đó có sẵn. Dường như không có bất kỳ trở ngại pháp lý nào không thể vượt qua trong việc thu giữ toàn bộ khoảng 300 tỷ Euro tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga do châu Âu, Mỹ và một số quốc gia khác nắm giữ, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, hai năm trước.
Tuy nhiên, Chiến lược gia Timothy Ash bình luận, điều còn thiếu là ý chí chính trị. Pháp luật cho phép việc tịch thu tài sản của nước khác như vậy vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua đầy đủ; còn châu Âu cũng còn lo ngại sự trả đũa của Nga, mà chùn bước trước một bước đi quyết liệt hơn.
Do vậy, động thái có vẻ khả thi hơn ở Brussels là một lựa chọn ít gây tranh cãi hơn - đó là sẽ lấy chỉ khoảng 3 tỷ Euro mỗi năm tích lũy từ các tài sản bị phong tỏa của Nga và sử dụng số tiền đó cho Ukraine.
3 tỷ Euro trong 300 tỷ Euro, là một phần nhỏ của các đề xuất đầy tham vọng hơn, dù vẫn phải đối mặt với nhiều câu hỏi pháp lý tương tự, nhưng dường như nhận được nhiều sự ủng hộ chính trị hơn từ các quốc gia quan trọng như Bỉ (người giám sát phần lớn tài sản bị phong tỏa của Nga).
Tháng trước, EU đã chính thức ra lệnh tách riêng lợi nhuận tích lũy từ tài sản của Nga bị đóng băng và tách riêng khỏi số dư cơ bản, nhằm thuận tiện cho việc hỗ trợ Ukraine sau này.
Hồi tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen còn đi xa hơn, khi lập luận rằng số tiền thu được có thể được sử dụng không chỉ chi trả cho việc tái thiết Ukraine, mà còn cho các nhu cầu vũ khí hiện nay của nước này.
Ngay lập tức, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, Bỉ sẵn sàng phân bổ một phần số tiền thu được (phần lớn được giữ tại cơ quan thanh toán tài chính Euroclear của Bỉ) để tài trợ cho nhu cầu quốc phòng của Ukraine.
Tuy nhiên, trên thực tế, về vấn đề sử dụng khối tài sản Nga đang bị đóng băng như thế nào vẫn còn nhiều ý kiến. Chẳng hạn, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ Brad Setser, cho rằng, cần tiếp cận chủ động hơn tới khối tài sản này, hơn là để nó nằm im - ví dụ, đầu tư vào các khoản tiền gửi có lãi suất cao hơn.
Có người đề nghị đầu tư số tài sản bị phong tỏa của Nga vào trái phiếu của các thị trường mới nổi có thể mang lại lợi nhuận lên tới 10%/năm; một ý tưởng khác táo bạo hơn là sử dụng tiền để mua trực tiếp trái phiếu chính phủ Ukraine... Vẫn còn những đề xuất khác, bao gồm việc sử dụng số tiền thu được hàng năm để trả nợ cho các đợt phát hành trái phiếu chung của EU trong tương lai, mà có thể được sử dụng để tài trợ cho Ukraine.