Phương Tây sẽ hỗ trợ Ukraine chương trình đào tạo phi công, huấn luyện bảo trì và hệ thống vũ khí đi kèm F-16. (Nguồn: AP) |
TASS đưa tin, tuyên bố trên được Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Charles Brown, đưa ra trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ngày 30/4.
Tướng Brown tuyên bố: “Khi chúng tôi mang tới những chiếc F-16, nó không chỉ là máy bay, mà còn là chương trình đào tạo phi công, huấn luyện bảo trì, cũng như đảm bảo các hệ thống vũ khí đi kèm".
Cuối tháng 8 năm ngoái, Hà Lan tuyên bố sẽ chuyển giao cho Ukraine 42 máy bay F-16, trong khi Đan Mạch hứa hẹn viện trợ 19 chiếc.
Hồi đầu tháng 4, Kiev xác nhận 5 nhóm phi công Ukraine đang được huấn luyện điều khiển chiến đấu cơ F-16 ở Anh, Đan Mạch, Mỹ và Pháp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, những chiếc F-16 có thể mang vũ khí hạt nhân và Moscow sẽ lưu ý đến khả năng này trong các hoạt động tác chiến.
Cũng trong phiên điều trần trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết đã trao đổi với lãnh đạo một số quốc gia sở hữu hệ thống tên lửa Patriot nhằm khuyến khích họ gửi loại vũ khí phòng không này cho Ukraine, trong bối cảnh Kiev kêu gọi cung cấp thêm năng lực phòng không, song không nêu tên cụ thể.
Hiện nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không Patriot, bao gồm Tây Ban Nha, Hy Lạp, Đức, Hà Lan, Ba Lan và Thụy Điển.
Trong thông điệp gửi các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi đầu tháng 4 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, Kiev cần thêm tối thiểu 7 hệ thống Patriot hoặc hệ thống phòng không cao cấp khác để chống lại những cuộc không kích của Nga.