Tại cuộc họp Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine đêm 25/11, ông Tsigikal nói: “Xuất phát từ tình hình hiện tại, chúng tôi có kế hoạch chuyển sang chế độ tăng cường bảo vệ tại biên giới”.
Quan chức này cũng cho biết, trong trường hợp ban bố tình trạng quân sự trên cả nước, hạn chế qua lại biên giới sẽ không áp dụng với công dân Ukraine mà chỉ dành cho một số đối tượng công dân Nga.
Tổng thống Petro Poroshenko tuyên bố ủng hộ mọi sáng kiến của ông Tsigikal. Cùng ngày, toàn bộ Lực lượng hải quân Ukraine đều được đặt vào tình trạng báo động sau vụ đụng độ với Nga trên biển Azov.
Toàn bộ Lực lượng hải quân Ukraine đều được đặt vào tình trạng báo động sau vụ đụng độ với Nga trên biển Azov. (Nguồn: Hải quân Ukraine) |
Tất cả tàu chiến đóng tại cảng Odessa đã ra khơi trong đêm 25/11. Theo kênh truyền hình TSN của Ukraine, hoạt động chuyển quân được thực hiện trong đêm 25/11. Đến sáng 26/11, khu vực cảng quân sự đã vắng bóng tàu chiến, trong khi xuất hiện nhiều xe tuần tra trong thành phố cảng biển này.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho rằng Ukraine và phương Tây đã chọn Biển Azov làm nơi để biến những hành động khiêu khích của Kiev nhanh chóng trở thành một vụ bê bối quốc tế.
Trả lời phỏng vấn hãng Sputnik, ông Karasin nhấn mạnh: "Thật không may, những gì chúng ta lo ngại nhất đã thành sự thực: Kiev và phương Tây đã chọn Biển Azov làm nơi để khiến các hành động khiêu khích của Ukraine nhanh chóng có những kết quả cần thiết để trở thành một vụ bê bối quốc tế".
Ông Karasin cho biết Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn để thảo luận về tỉnh hình trên Biển Azov.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Romania cho biết nước này lo ngại về tình hình trên Biển Azov và Eo biển Kerch sau những căng thẳng trên biển giữa Nga và Ukraine.